Các nhà khoa học được tỉnh Tiền Giang mời dự cuộc họp chiều 28-3 đã kiến nghị thu hồi chủ trương đầu tư dự án Nhà máy giấy Đại Dương. Nhà đầu tư nói tỉnh thu hồi dự án thì phải bồi thường phần chi phí bỏ ra khoảng 10 triệu USD.
Tại cuộc họp chiều 28-3, một số nhà khoa học bày tỏ lo ngại xảy ra xung đột giữa nhà máy giấy và sản xuất nông nghiệp khi cùng sử dụng kênh Năng. Trong ảnh: vị trí xả thải của Khu công nghiệp Long Giang - nơi đặt Nhà máy giấy Đại Dương - Ảnh: V.Trường |
Cuộc họp này ban đầu chỉ nhằm thảo luận, lấy ý kiến các nhà khoa học về hai nội dung chính là sử dụng nước để sản xuất giấy và xử lý nước thải (môi trường). Tuy nhiên diễn biến sau đó được đẩy lên thành cuộc tranh luận gay cấn.
Các nhà khoa học đề nghị tỉnh không nhận dự án này. Còn nhà đầu tư đưa ra các dẫn chứng để khẳng định dự án đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật Việt Nam, không có lý do gì bị thu hồi khi báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) vẫn chưa được phê duyệt.
Phát biểu theo...tài liệu cũ
Ông Chiang Ming Jui (tổng giám đốc Công ty TNHH Nhà máy giấy Đại Dương VN) thông tin trong giai đoạn 1 sẽ xây dựng nhà máy sản xuất giấy công suất 175.000 tấn/năm, vốn đầu tư 80 triệu USD. Hiện báo cáo ĐTM lập xong nhưng chưa được thẩm định, phê duyệt do còn nhiều ý kiến khác nhau.
“Nhà máy của chúng tôi hoàn toàn không sử dụng bột giấy để sản xuất mà sử dụng giấy phế liệu nên không thải ra chất dioxin như dư luận lầm tưởng. Công nghệ của chúng tôi hiện đại tương tự Nhà máy giấy Lee & Man ở tỉnh Hậu Giang, nhà máy này đã được phép chạy thử từ tháng 3-2017” - ông Chiang Ming Jui nói.
Thông tin về công nghệ sản xuất của Nhà máy giấy Đại Dương khiến nhiều người “bật ngửa”. GS.TS Nguyễn Văn Phước (viện trưởng Viện tài nguyên và môi trường - ĐHQG TP.HCM) nói: “Tôi nhận được tài liệu của Sở TN-MT Tiền Giang cho biết dự án này có sử dụng Cl2 để tẩy trắng. Còn hôm nay nhà đầu tư trình bày công nghệ khác. Tôi cho rằng có gì khuất tất ở đây”.
PGS.TS Võ Lê Phú (khoa môi trường và tài nguyên Trường ĐH Bách khoa - ĐHQG TP.HCM) gửi ý kiến đóng góp bằng văn bản, đồng thời thừa nhận không rõ dự án sử dụng công nghệ nào để sản xuất các loại giấy.
Theo quan điểm của ông, dù công nghệ hiện đại đi nữa thì dự án nhà máy giấy cũng có nguy cơ ô nhiễm môi trường.
PGS.TS Lê Trình (Viện Khoa học môi trường và phát triển - VESDEC) nói ông là người đầu tiên gửi thư cho lãnh đạo tỉnh kiến nghị không nhận dự án Nhà máy giấy Đại Dương. Hôm nay ông vẫn giữ quan điểm mong muốn tỉnh rút chủ trương đầu tư dự án này.
Ông giải thích: “Ngành công nghiệp giấy thải ra nhiều chất độc hại cho môi trường. Trong thực tế chuyện gì cũng có thể xảy ra cả. Doanh nghiệp nào làm dự án đều có cam kết, nhưng giữa cam kết và thực hiện có khoảng cách nhất định. Formosa cũng cam kết nhưng rồi lại gây ra hậu quả vô cùng lớn”.
Để “tháo ngòi” cuộc tranh luận, PGS.TS Phùng Chí Sỹ (đơn vị tư vấn lập ĐTM dự án nhà máy giấy) phải đính chính: “Bản tài liệu đến tay quý vị không phải là tài liệu công nghệ mới nhất nêu trong ĐTM. Đó là tài liệu rất cũ, không chính xác. Tất cả công nghệ sản xuất và xử lý nước thải mà doanh nghiệp sẽ đầu tư đều thể hiện trong ĐTM”.
Ông Sỹ nói thêm Nhà máy giấy Đại Dương chỉ sử dụng giấy phế liệu để tái chế thành giấy mới, không sử dụng bột giấy. Ông Sỹ còn khẳng định từ khi nhập nguyên liệu đầu vào cho đến sản xuất, xử lý nước thải... đều được các cơ quan chức năng giám sát, kiểm tra chặt chẽ.
“Công nghệ của nhà máy giấy Đại Dương và Lee & Man được xem là hiện đại nhất VN hiện nay. Toàn bộ thiết bị đều nhập từ các nước tiên tiến châu Âu” - ông Sỹ quả quyết.
Khi trở lại nội dung chính của cuộc họp là bàn về nguồn nước cung cấp cho nhà máy giấy, hai bên lại tiếp tục tranh cãi nảy lửa.Tranh cãi nảy lửa
TS Lương Quang Xô (phó viện trưởng Viện Quy hoạch thủy lợi miền Nam) bày tỏ lo ngại trong thời gian tới nước mặn sẽ xâm nhập sâu tới Rạch Gầm - Xoài Mút, tức là vượt qua khỏi vùng lấy nước của nhà máy giấy.
Khi sông Tiền bị nhiễm mặn thì nước trên các kênh Nguyễn Văn Tiếp, kênh Bảo Định, kênh Năng... sẽ là nguồn chính để xử lý, cung cấp cho người dân. Lúc đó sẽ xảy ra xung đột với nhà máy giấy.
“Dù công nghệ có tốt thế nào thì cũng không thể xử lý hết các chất có trong nước thải của ngành sản xuất giấy, trong khi đây là vùng giáp nước, khả năng tự làm sạch kém” - ông Xô nói.
Một số ý kiến nói nếu cho nhà máy giấy sử dụng nước ngầm để sản xuất thì sẽ ảnh hưởng đến tài nguyên nước ngầm, nhất là khiến đất bị sụt lún. Riêng đại diện Đài Khí tượng thủy văn Tiền Giang thì đưa ra nhiều số liệu thống kê kết luận nguồn nước kênh Năng không đáp ứng đủ để cung cấp cho nhà máy giấy,
Nhưng PGS.TS Phùng Chí Sỹ - đại diện phía chủ đầu tư - phản bác các ý kiến cho rằng nhà máy sẽ xung đột với sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân khi sử dụng nước kênh Năng.
Ông dẫn chứng: “Vào mùa kiệt, công ty sẽ lấy nước từ kênh Năng chỉ bằng 1/407 lưu lượng, không ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp. Nước kênh này bị nhiễm phèn nặng, không thể sử dụng cho sinh hoạt, nên càng không ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân” - ông Sỹ nhấn mạnh.
Ông Sỹ còn nói lượng nước thải ra khoảng 6.000m3/ngày đêm, trong đó nhà máy sẽ tái sử dụng hơn 1.000m3. Công nghệ xử lý nước thải của Đại Dương giống như của Nhà máy giấy Lee & Man, tức là không tự chảy ra kênh Năng mà được lưu ở hồ sinh học, được lắp đặt hệ thống quan trắc tự động.
Khi nước thải đạt tiêu chuẩn cột A thì mới được bơm ra kênh. Nếu xảy ra sự cố mà ba ngày không xử lý được thì nhà máy sẽ tự động ngừng hoạt động.
Ông Yu Suo (tổng giám đốc Công ty Long Giang - chủ đầu tư KCN Long Giang) đưa ra các quy định của pháp luật để chứng minh dự án Nhà máy giấy Đại Dương đặt tại KCN Long Giang là đúng và là ngành ưu tiên đầu tư.
“KCN Long Giang được phê duyệt xả thải 38.000m3/ngày đêm, nhưng hiện nay chỉ mới đạt khoảng 2.000m3. Nếu cộng với Đại Dương thì cũng chỉ mới 7.000m3. Ngay cả khi KCN Long Giang được lấp đầy thì tổng lượng nước thải cũng không hết công suất cho phép.
Quý vị nói kênh Năng không thể tiếp nhận 5.000m3 nước thải của Nhà máy giấy Đại Dương thì tại sao cấp phép cho chúng tôi xả thải tới 38.000m3. Tỉnh cũng đã quy hoạch 5 KCN tại huyện Tân Phước. Vậy sẽ đem đổ nước thải ở đâu?” - ông Yu Suo nói.
Kết luận cuộc họp, ông Phạm Anh Tuấn (phó chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang) cho rằng do tính chất dự án sản xuất giấy phức tạp, có dư luận trái chiều nên cần phải thận trọng xem xét kỹ trước khi đưa ra quyết định có tiếp nhận dự án này hay không.
PGS.TS Lê Trình (đứng): Ngành công nghiệp giấy thải ra nhiều chất độc hại cho môi trường. Trong thực tế chuyện gì cũng có thể xảy ra cả - Ảnh: V.Trường |
Nhà đầu tư đòi bồi thường 10 triệu USD Ông Chiang Ming Jui cho biết sau khi tỉnh Tiền Giang có quyết định chủ trương đầu tư, công ty đã tiến hành thuê đất, thành lập doanh nghiệp, thuê lập dự án, ĐTM... Đến nay đã chi khoảng 10 triệu USD và giải ngân số tiền hơn 6 triệu USD. Nếu tỉnh kiên quyết thu hồi chủ trương đầu tư thì công ty này sẽ khởi kiện yêu cầu bồi thường thiệt hại. |
Nhờ các bộ thẩm định công nghệ Ông Trần Phong (cục trưởng Cục Môi trường miền Nam Bộ TN-MT) đề nghị một giải pháp dung hòa: “UBND tỉnh nên nhờ các bộ thẩm định công nghệ của dự án Nhà máy giấy Đại Dương, bao gồm cả công nghệ sản xuất, xử lý nước thải, khí thải. Có kết luận về công nghệ rồi mới tiến hành thẩm định ĐTM được. Tỉnh cũng cần thuê một đơn vị độc lập tiến hành nghiên cứu thủy văn để xác định nhà máy giấy lấy nước sản xuất và xả thải có ảnh hưởng gì đến môi trường và sản xuất nông nghiệp không? Tôi đề nghị phải làm nhanh để tránh tổn thất cho nhà đầu tư. Tất cả báo cáo và thông tin hôm nay không đủ để đánh giá. Tôi cũng sẽ báo cáo Tổng cục Môi trường tình hình để hỗ trợ tỉnh tiến hành các bước tiếp theo”. Ông Phong còn đề nghị lãnh đạo tỉnh Tiền Giang nên đến Hậu Giang tham quan Nhà máy giấy Lee & Man và làm việc với UBND tỉnh Hậu Giang để xem tỉnh này quản lý, giám sát nhà máy này như thế nào, xem có thể làm được như vậy không. |
theo tuoitre.vn
VP 7, Tầng 2, Sơn An Plaza, Đường Đồng Khởi, Phường Tam Hòa, Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Kho hàng: Cụm công nghiệp Thạnh Phú - Thiện Tân, Xã Thiện Tân, Huyện Vĩnh Cửu, Tỉnh Đồng Nai
(+84-251) 6293850 ¤ CSKH: 19007161 sales@hoaphatdongnai.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Mai N.H Thanh