Nóng chuyện nhấn chìm bùn và khai thác titan tại Bình Thuận

Nóng chuyện nhấn chìm bùn và khai thác titan tại Bình Thuận

10-07-2017 02:28

Câu chuyện môi trường đang nóng lên ở Bình Thuận khi Bộ Tài nguyên môi trường cho phép Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 nhận chìm gần 1 triệu tấn vật chất gần khu bảo tồn thiên nhiên Hòn Cau (Tuy Phong) và vấn đề quy hoạch, khai thác titan đang ảnh hưởng trực tiếp đến ngành du lịch của tỉnh này.

Đổ hơn 918.500 m3 bùn xuống biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã cấp phép

Bộ Tài nguyên và Môi trường vừa quyết định cấp phép cho Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1 (chủ đầu tư Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1) nhận chìm hơn 918.500 m3 bùn, cát, vỏ sò, sạn sỏi ra vùng biển thuộc xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong. Thời gian thực hiện từ tháng 6 đến tháng 10. Theo giấy phép, đây không phải chất thải mà là vật liệu thu được sau quá trình nạo vét vũng quay tàu, phục vụ cho Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân. Trong đó 20% bùn, 80% cát, vỏ sò, cát pha, cát kết phong hóa, sét, bùn trầm tích... Loại vật, chất này bản chất đã nằm ở biển và nay được đưa lên để chuyển đi chỗ khác. 

Khu vực nạo vét bùn

"Nó không chứa chất độc hại hay phóng xạ vượt chuẩn Việt Nam, khối lượng trên không thể đổ lên đất liền vì có khả năng nhiễm mặn, gây ô nhiễm môi trường", giấy phép nêu rõ. Khu vực biển sử dụng để nhận chìm có diện tích 30 ha, cách Hòn Cau 8 km và nơi nhận chìm độ sâu lớn nhất là -31 đến -36 m.

Tuy nhiên, tại một hội thảo tổ chức tại Bình Thuận, các nhà chuyên môn đã nêu ra các ý kiến phản biện hết sức đáng ngại mà chúng tôi sẽ nêu dưới đây. 

Chưa dừng lại ở đó, ngày 8-7, trao đổi với chúng tôi, ông Trần Lê Trung Hiếu, Chánh Văn phòng Tổng Công ty Phát điện 3 (EVNGENCO3) thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), cho biết EVNGENCO3 đang xúc tiến xin giấy phép đổ xuống biển Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) 2,4 triệu m3 bùn cát thải sau nạo vét. Ông Hiếu cho biết khối lượng bùn cát này thu được trong quá trình nạo vét luồng và vũng quay tàu để làm cảng 100 ngàn tấn để nhập than từ Indonesia và Úc cho các nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 3, Vĩnh Tân 4 và Vĩnh Tân 4 mở rộng.

5,9 triệu tấn titan, trị giá 138 tỉ USD là con số ảo

Nhiều vấn đề, bất cập trong khai thác titan ở Bình Thuận đã được chỉ ra tại buổi tọa đàm về quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng titan đến năm 2020, xét tới 2030 do Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào năm 2013. 

Hầu hết ý kiến đều cho rằng đầu vào cho việc lập quy hoạch không chính xác cả về trữ lượng và đánh giá, nhận định về “sức mạnh kinh tế” do titan mang lại là phi thực tế.

Chưa hết, theo các nhà khoa học, việc khai thác titan dọc ven biển rất dễ xảy ra sự cố môi trường.

GS Đặng Trung Thuận (Trung tâm Con người và thiên nhiên - đơn vị đồng tổ chức tọa đàm) cho rằng trữ lượng titan do Bộ Tài nguyên môi trường công bố so với con số đưa ra của các nhà khoa học chênh lệch rất nhiều.

“Trữ lượng titan của Bình Thuận là 5,9 triệu tấn, mang lại giá trị hơn 138 tỉ USD là con số ảo, như đếm cua trong lỗ, gây hiểu nhầm” - GS Thuận nói thẳng.

Cũng theo GS này, để lấy được quặng titan phải đào sâu dẫn đến phá hủy môi trường, trong đó quan trọng nhất là làm cạn kiệt thêm tài nguyên nước.

Tràn bùn đỏ năm 2013 tại Bình Thuận

Tràn bùn đỏ năm 2013 tại Bình Thuận

Đồng tình quan điểm trên, TS Phạm Quang Tú (Liên minh Khoáng sản) cũng nhìn nhận và đánh giá rằng đang có sự “ảo tưởng về nguồn khoáng sản titan” vì trước đây từng có lãnh đạo Bộ TN-MT kỳ vọng rằng khoáng sản titan sẽ “cứu” nền kinh tế, là nguồn khoáng sản thay thế dầu mỏ đang cạn kiệt.

“Nhưng qua thực tế các mỏ titan được khai thác hiện nay, chúng ta đã thấy mặt hại của nó” - TS Tú nói.

Nhiều ý kiến đã nói thẳng việc ảo tưởng về titan ở Bình Thuận là hậu quả cách làm quy hoạch “không giống ai” của Việt Nam. TS Lê Ái Thụ (Tổng hội Địa chất VN) chỉ ra sự thất bại do quy hoạch sai, ảo tưởng về trữ lượng từng xảy ra với gang thép Thái Nguyên, mỏ sắt ở Hà Tĩnh.

“Hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng giờ thành đống sắt vụn” - TS Thụ chua chát nói.

Titan là tài nguyên hữu hạn, khai thác là hết và ảnh hưởng lớn đến môi trường, chồng chéo đến phát triển các ngành kinh tế khác.

Ông Phan Đình Nhã (Viện Tư vấn phát triển)

Các ý kiến tại buổi tọa đàm đã phân tích sự đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Thuận của ngành khai thác khoáng sản để thấy rõ sự bất cập. Cụ thể trong những năm qua, ngành này chỉ đóng góp 0,5-1% cho GDP Bình Thuận, trong khi ngành du lịch đóng góp gần 10%.

Ông Phan Đình Nhã (Viện Tư vấn phát triển) khẳng định khai thác titan đang cản trở lớn đến phát triển du lịch ở địa phương này, vì vậy ông lưu ý phải cân nhắc kỹ hơn, cái nào có lợi thì thực hiện.

Đại diện Sở Kế hoạch đầu tư Bình Thuận cũng chỉ ra những bất cập, hạn chế trong quy hoạch, khai thác titan tại tỉnh này. Tỉnh đang có 33 dự án phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, du lịch nằm trong quy hoạch trên, với tổng diện tích chồng lấn lên đến hơn 4.500ha.

Nhân dân và chính quyền Bình Thuận: Bất ổn.!

Cả hai vụ việc, nếu chỉ nghe từ phía cơ quan chức năng, có vẻ mọi việc đều ổn cả. Thế nhưng khi đưa ra bàn thảo, góp ý, câu chuyện lại rất khác.

Lý giải việc cho phép nhận chìm vật chất ở vị trí nhạy cảm, đại diện ngành chức năng cho rằng gần 1 triệu mét khối này không thể đổ trên đất liền vì gây nhiễm mặn. Rồi đó là vật chất của biển thì trả lại cho biển, chứ không phải là chất thải.

Cơ quan cấp phép, chủ nguồn vật chất đều khẳng định rằng quy trình làm chặt chẽ, kỹ càng và cam kết bồi thường nếu xảy ra sự cố.

Nhưng người dân, chính quyền địa phương có cơ sở để lo ngại. Đây là lần đầu tiên Việt Nam cho phép nhận chìm vật chất nhưng khối lượng quá lớn có thể làm dày đáy biển nơi nhận chìm thêm 3 - 7 mét.

Xung quanh khu vực cảng được nạo vét có nhiều người dân sinh sống bằng nghề nuôi tôm giống, nuôi cá bè. Hòn Cau cũng đang hồi sinh...

Trong cuộc họp ngày 7-7, hàng loạt góp ý như các điểm quan trắc trước, trong và sau khi nhận chìm vật chất quá ít; thời gian quan trắc ngắn - chỉ ngay sau khi nhận chìm xong; khi vận chuyển vật chất sẽ tạo ra phốt pho... đã được nêu ra và cơ quan chức năng phải ghi nhận. 

Tại sao trước khi cấp phép, bộ không đưa ra cộng đồng để góp ý nhằm tìm ra những phương án tối ưu, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, cộng đồng? Phải chăng ngành chức năng muốn “chuyện đã rồi”?

Như một lãnh đạo tỉnh Bình Thuận nói rằng “cuộc họp là để bàn tổ chức thực hiện giấy phép cho an toàn, vì giấy phép đã cấp rồi”.

Còn trong tọa đàm ngày 8-7 về quy hoạch và khai thác titan tại Bình Thuận, các nhà khoa học cũng đã chỉ ra sự “ảo tưởng” về trữ lượng titan tại Bình Thuận mà chưa cân nhắc hết những mặt trái của nó.

Thực tế, khai thác sa khoáng titan đã và đang gây ra những hệ lụy về môi trường. Đã có hồ chứa bùn thải bị vỡ nhiều lần. Những đồi cát chắn gió, sóng dọc biển Bình Thuận sẽ biến mất và tiến ngày càng sâu vào đất liền nếu bị phá đi để khai thác titan.

Nhiều nhà khoa học đã thất vọng vì cách làm quy hoạch của ngành chức năng khi chỉ ra mỗi vùng được quy hoạch khai thác đều gắn liền với tên doanh nghiệp khai thác. Có nhà khoa học nói rằng trong quy hoạch, cơ quan quản lý đã chạy theo doanh nghiệp.

“Khi hậu quả xảy ra, chỉ có người dân gánh chịu”, một nhà khoa học lên tiếng.

“Không đánh đổi môi trường lấy kinh tế” - nguyên tắc đó đi vào cuộc sống khi có sự tham vấn của cộng đồng, của những người dân trực tiếp sinh sống, làm ăn trong môi trường ấy. Và đặc biệt, môi trường không bị đem ra đánh đổi chỉ khi mọi tính toán được thực hiện trên cơ sở khoa học chứ không phải từ tính toán và lợi ích của 
một nhóm người.

Hãy hành xử có trách nhiệm khi thực hiện các dự án tác động đến môi trường. Và hãy tin rằng, những thủ thuật, phù phép để che giấu mặt trái của các dự án có thể xâm hại đến môi trường sẽ sớm bị lột bỏ, bởi chân lý không đánh đổi môi trường lấy kinh tế là bất di bất dịch.

hoaphatdongnai.com tổng hợp

Bình chọn tin tức: (5.0 / 1 đánh giá)

Tin tức liên quan

Tham luận công nghệ tiên tiến xử lý chất thải trong chăn nuôi phục vụ nông nghiệp tuần hoàn.

Tham luận công nghệ tiên tiến xử lý chất thải trong chăn nuôi phục vụ nông nghiệp tuần hoàn.

Hướng dẫn lựa chọn công nghệ tiên tiến xử lý chất thải trong chăn nuôi phục vụ nông nghiệp tuần hoàn, tiến tới nông nghiệp nhiệt đới bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu.

Xem tiếp
Tuyển dụng nhân viên môi trường

Tuyển dụng nhân viên môi trường

Tuyển dụng nhân viên môi trường

Xem tiếp
Hệ thống xử lý nước thải công suất 30 m3/ngày đêm - Cơ sở giết mổ Anh Hoàng Thy

Hệ thống xử lý nước thải công suất 30 m3/ngày đêm - Cơ sở giết mổ Anh Hoàng Thy

Cty TNHH Anh Hoàng Thy là cơ sở giết mổ lớn với công suất giết mổ gia súc công suất 90 con/ngày, giết mổ gia cầm, công suất 900 con/ngày. Với lượng nước thải từ hoạt động giết mổ là không nhỏ trong khoảng 30m3/ngày.đêm ra môi trường.

Xem tiếp
Giải pháp Xử lý Nước Thải Chăn Nuôi Heo Hiệu Quả, Công Suất 400m3/ngày.đêm – Trang trại Trọng Khôi tại Hiếu Liêm

Giải pháp Xử lý Nước Thải Chăn Nuôi Heo Hiệu Quả, Công Suất 400m3/ngày.đêm – Trang trại Trọng Khôi tại Hiếu Liêm

Khám phá giải pháp công nghệ tiên tiến trong xử lý nước thải chăn nuôi tại Đồng Nai: giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tối ưu hóa chi phí và đẩy mạnh phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi.

Xem tiếp
Hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi heo - Trại Khang Minh An, công suất 75 m3/ngày.đêm

Hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi heo - Trại Khang Minh An, công suất 75 m3/ngày.đêm

Hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi heo - Trại Khang Minh An, công suất 75 m3/ngày.đêm

Xem tiếp

CÔNG TY CỔ PHẦN HÓA PHÁT ĐỒNG NAI (MST: 3602468746)

 VP 7, Tầng 2, Sơn An Plaza, Đường Đồng Khởi, Phường Tam Hòa, Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai

 Kho hàng: Cụm công nghiệp Thạnh Phú - Thiện Tân, Xã Thiện Tân, Huyện Vĩnh Cửu, Tỉnh Đồng Nai

 (+84-251) 6293850 ¤ CSKH: 19007161   sales@hoaphatdongnai.com

 Chịu trách nhiệm nội dung: Mai N.H Thanh

  Hotline: 0902585156