Nhiệt điện than: Nhiều tỉnh, thành “nói không” (Bài 1)

Nhiệt điện than: Nhiều tỉnh, thành “nói không” (Bài 1)

25-01-2019 10:46

Xu hướng “nói không” rất rõ ràng với nhiệt điện than theo quy hoạch điện quốc gia từ nhiều tỉnh, thành. Đó là bởi rủi ro sự cố môi trường và những hệ lụy xã hội khác kéo trong quá trình quá trình xây dựng và vận hành nhà máy nhiệt điện than.

Ô nhiễm môi trường

Nằm cách nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 1 khoảng hơn 500m, gần biển, chị Dương Thị Cảnh, thôn Hải Phong (xã Kỳ Lợi, huyện Kỳ Anh, Hà Tĩnh) cho biết: “từ khi có nhiệt điện than Vũng Áng và Formosa (nhà máy luyện thép Formosa có 4 tổ máy nhiệt điện than – PV), không khí ở đây không còn trong lành như ngày xưa nữa”.

Mẹ con chị Dương Thị Cảnh. Ảnh: Lê Quỳnh

Mẹ con chị Dương Thị Cảnh. Ảnh: Lê Quỳnh

Theo chị Cảnh, vào mùa gió Nam lào, gió Nồm của những tháng hè, không khí ở đây tệ hơn nhiều. Lúc nào cũng như có một màng bụi mỏng vây bám lấy hơi thở. Tùy hướng gió, lúc thì bụi từ Formosa bay qua, khi thì từ nhiệt điện than Vũng Áng 1 phả lại; đặc biệt vào ban đêm, người dân cho biết, họ thường thấy ống khói xả ra khí đen.

Cũng như các gia đình khác ở thôn Hải Phong, chị Cảnh không còn dám dùng nước mưa hứng từ mái nhà cho ăn uống nữa, vì sợ bị ung thư. Đứa con 6 tuổi của chị hay bị mẩn ngứa, ho hen thường xuyên. Vài năm trở lại đây, nước giếng cũng không dám xài vì thấy màu nước lạ. Một tháng gia đình chị mất khoảng 1 triệu đồng mua nước bình cho ăn uống,…

Chồng mất đã 10 năm, một mình nuôi 4 đứa con, chị Cảnh cho biết, ngoài trồng rau, nuôi vịt thả gà, chị mở một quán bán bia nhỏ để thêm thu nhập. Được xét vào diện hộ gia đình nghèo, chị Cảnh được Formosa làm cho một sổ bảo hiểm (sau khi xảy ra thảm họa Formosa vào tháng 4.2016 - PV), bệnh thì đi khám và lấy thuốc miễn phí. Nhưng chị bảo: “nếu được lựa chọn, tôi chọn được sống trong môi trường trong lành thay vì ưu đãi này.”

Thực tế nhiều năm qua, dân Hải Hà kêu ô nhiễm, cơ quan chức năng huyện, tỉnh xuống kiểm tra nhưng đa số đều trả lời “các chỉ số ô nhiễm đạt quy chuẩn cho phép”. Nhưng dân vẫn khổ sở sống trong cảnh ô nhiễm.

Chị Cảnh không phải là người dân duy nhất ở thôn Hải Phong có ước muốn này. Người dân ở đây đều chung một mong mỏi này. Ngư dân Chu Văn Bốn có vợ bị ung thu tuyến giáp đã vài năm nay kể: không khí không còn trong lành khiến vợ ông thường thở khó khăn và tức ngực hơn...

Cũng chỉ cách khu dân cư khoảng 500m, các hoạt động của nhà máy nhiệt điện than Nghi Sơn 1 (xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) hơn 5 năm nay, như ông Nguyễn Trọng Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Hà, thừa nhận: đã và đang “gây ô nhiễm nguồn nước, không khí, nhất là bụi than, ảnh hưởng đến đời sống người dân”.

Chị Lê Thị Hiệp, một gia đình người dân Hải Hà cho biết, căn nhà chị luôn phải đóng cửa vì bụi than; đêm không ngủ được, mùi rất khó chịu, ngủ cũng phải bịt mũi. Rất hay bị viêm họng hạt, nhưng chị Hiệp bảo lo nhất là con cháu còn nhỏ. Trong khu vực này còn có các nhà máy xi măng, hóa lọc dầu hoạt động – thuộc khu kinh tế Nghi Sơn.  

Thực tế nhiều năm qua, dân Hải Hà kêu ô nhiễm, cơ quan chức năng huyện, tỉnh xuống kiểm tra nhưng đa số đều trả lời “các chỉ số ô nhiễm đạt quy chuẩn cho phép”. Nhưng dân vẫn khổ sở sống trong cảnh ô nhiễm. Theo ông Hậu, lãnh đạo nhà máy nhiệt điện than Nghi Sơn 1 cũng xuống họp với dân, hứa lắp thiết bị phun sương, cải tạo lọc khí, thậm chí còn... cắm cờ để biết hướng gió và điều chỉnh hoạt động nhà máy, nhưng bầu không khí ở đây vẫn không thể trong lành. 

Bụi than trên bờ biển, nơi có nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 1 và cảng vận chuyển than. Ảnh: Lê Quỳnh

Bụi than trên bờ biển, nơi có nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 1 và cảng vận chuyển than. Ảnh: Lê Quỳnh

Ghi nhận của chúng tôi tại một số trạm y tế xã ở những địa phương đang có các nhà máy nhiệt điện than hoạt động, theo các trạm trưởng trạm y tế xã: các bệnh nhiễm trùng nhiễm khuẩn có xu hướng thuyên giảm nhưng các bệnh không lây nhiễm (NCDs) gia tăng nhanh chóng, đặc biệt là các bệnh tim mạch, đột quỵ, hô hấp khó thở, mẩn ngứa dị ứng và ung thư.

Tại xã Kỳ Lợi, số lượng người dân mắc bệnh tim mạch, tai biến mạch não phát hiện năm 2017 là 105 ca, bốn tháng đầu năm 2018 có thêm 11 ca mắc mới. Năm 2017 phát hiện 8 ca ung thư, bốn tháng đầu năm 2018 phát hiện thêm 6 ca ung thư. Sổ tử ghi nhận trong vòng bốn tháng 8, 9, 10, 11 năm 2017 đã có 12 ca chết do bệnh tim mạch và đột quỵ, 2 ca chết do ung thư.

Còn báo cáo số ca tử vong của xã Hải Hà, trong 5 năm liền (2013 - 2017) cho thấy: dân số toàn xã là gần 11.000 người, mỗi năm có từ 8 - 15 ca chết vì ung thư, chiếm khoảng 30 - 40% trong tổng số ca chết. Đặc biệt năm 2015, tỉ lệ này tăng vọt gần 45% với 15 người chết do ung thư phổi, gan, dạ dày và hạch trên tổng 34 người chết toàn xã,…

Bác sĩ Nguyễn Trọng An, phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng nhận định, đây là những tỉ lệ rất cao, đáng báo động. Ông An giải thích: tỉ lệ ung thư ở Việt Nam ở mức trung bình cao trên thế giới, chiếm khoảng 30-40%. Trung bình xã vùng đồng bằng Bắc Bộ có tỷ suất chết thô (CDR – Crude Deadth Rate) là 6,8 ‰. Hiểu nôm na, nếu 1 xã có 10.000 dân thì trung bình chết khoảng 6 người/năm, trong đó khoảng 2-3 người chết là do bệnh ung thư.

“Ô nhiễm không khí có thể là một trong những nguyên nhân lớn gây ra thực trạng trên”, bác sĩ An nói.   

Dân mất nơi an cư lạc nghiệp

Tương lai không xa, xã Kỳ Lợi sẽ bị xóa sổ trên bản đồ hành chính. Toàn bộ 9.900 người dân của xã đã và sẽ được di dời sang các xã khác của huyện Kỳ Anh, để nhường đất cho các nhà máy nhiệt điện than khác theo quy hoạch tại đây. Ông Chu Văn Quang, Phó Chủ tịch UBND xã UBND Kỳ Lợi cho biết: vì vậy giải quyết việc làm cho người dân hiện nay là một bài toán đau đầu.

Thống kê hiện cả xã chỉ có khoảng 100 người đã được đào tạo và làm việc ở Formosa, hơn 10 người làm việc tại nhiệt điện than Vũng Áng 1, chiếm chưa đến 1% tổng số dân. Trong khi đó, đất nông nghiệp cho người tái định cư không có, đa số thanh niên vào các thành phố lớn tìm việc, phụ nữ, người già không có việc làm.

Người dân xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa tụ tập ở bến thuyền phản đối xây dựng nhiệt điện than Nghi Sơn 2, vào cuối tháng 5.2018. Ảnh: Lê Quỳnh

Người dân xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa tụ tập ở bến thuyền phản đối xây dựng nhiệt điện than Nghi Sơn 2, vào cuối tháng 5.2018. Ảnh: Lê Quỳnh

Xã Hải Hà, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa cũng sẽ bị xóa sổ hoàn toàn trên bản đồ hành chính trong tương lai, để nhường đất cho các dự án công nghiệp, trong đó có các nhà máy nhiệt điện than.

Với dân số 10.500 người/2.630 hộ dân, ông Nguyễn Trọng Hậu, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Hà cho biết hiện xã đã có hơn 500 hộ dân di dời đến khu tái định cư tại xã Hải Bình. Tuy nhiên, thực tế chỉ mới có khoảng 100 hộ dân thực sự ở nơi mới.

Lý do, ở nơi mới, người dân không có công việc ổn định, nhiều người phải bỏ hẳn nghề đi biển của mình, rời quê tìm đến các thành phố lớn bán vé số, lao động chân tay,... Thậm chí, nhiều người đã đến nơi mới rồi nhưng phải bán đất, quay lại quê cha đất tổ, chấp nhận mua đất ruộng cất nhà “lụi” sống tạm, để có cơ hội bám biển, làm nghề đánh bắt.

“Tôi theo chồng về lại Hải Hà, chồng đi biển, ruộng muối đã bị tịch thu để xây nhiệt điện than nên tôi giờ chỉ làm cá, ruốc đi bán. Chúng tôi đã làm nghề đi biển ở đây nhiều đời rồi”, chị Tươi cho biết.

Tuy nhiên, bến thuyền của người dân Hải Hà cũng đang trong kế hoạch bị di dời để làm cảng than cho nhà máy nhiệt điện than Nghi Sơn 2 sắp được xây dựng. Điều này sẽ khiến người dân có nguy cơ mất nghề. Nơi làm bến thuyền mới không an toàn cho tàu thuyền neo đậu. Ngư dân Vũ Văn Linh cho chúng tôi biết - trong một ngày người dân biểu tình phản đối xây dựng nhà máy nhiệt điện than, vào cuối tháng 5.2018.

Ô nhiễm môi trường, dân nguy cơ mất nghề mưu sinh, đa số người dân không đủ trình độ đáp ứng yêu cầu công việc trong các nhà máy, gánh nặng an sinh xã hội, sức khỏe, làng nghề lâu đời sẽ bị xóa sổ, xung đột khi giải tỏa di dời,…

Dân đã hy sinh cánh đồng muối, lúa cho nhà máy nhiệt điện than, giờ chỉ còn nghề đi biển. Vì vậy để giữ bến thuyền, dân cắt cử người thay nhau ra bến, “đối đầu” với lực lượng an ninh xã. Và cho đến nay, đầu năm 2019, cuộc tranh giữ bến thuyền giữa người dân và chính quyền vẫn chưa có hồi kết.  

Ô nhiễm môi trường, dân nguy cơ mất nghề mưu sinh, đa số người dân không đủ trình độ đáp ứng yêu cầu công việc trong các nhà máy, gánh nặng an sinh xã hội, sức khỏe, làng nghề lâu đời sẽ bị xóa sổ, xung đột khi giải tỏa di dời,… Tình trạng này được ông Nguyễn Trọng Hậu thừa nhận trong bất lực, khi mà “không khí ô nhiễm, tương lai thêm nhiều nhà máy, chắc chắn dân không ở được, phải đi”.

Tình trạng bất lực của cấp chính quyền gần dân nhất, không chỉ ở Hải Hà.

Xã Quỳnh Lập, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An là nơi được quy hoạch sẽ xây dựng hai nhà máy nhiệt điện than Quỳnh Lập 1 và 2 (tổng công suất 2.400 MW).

Ông Lê Bá Vân, Chủ tịch UBND xã Quỳnh Lập cho biết, việc giải tỏa mặt bằng để xây dựng nhà máy đáng lẽ phải xong từ năm 2017, tuy nhiên đến nay vẫn… dậm chân tại chỗ. Lý do vì chính sách giải tỏa đền bù, công tác tái định cư đều chưa rõ ràng, chưa thống nhất được với dân. Đã xảy ra nhiều cuộc biểu tình, phản đối, mà ở đó, người dân đòi hỏi quyền lợi có chỗ an cư, bồi thường thỏa đáng, giữ được nghề truyền thống đánh bắt gần bờ của mình, và được sống trong môi trường trong lành.

Tình trạng trên cũng tương tự với cộng đồng người dân tại thôn Vĩnh Sơn xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch, Quảng Bình, khi chính quyền cần đất để xây các nhà máy nhiệt điện than Quảng Trạch 1, 2 với quy mô 2.400 MW, nằm gần bờ biển…  

"Nói không” với nhiệt điện than

Rủi ro môi trường và những hệ lụy khác đang là lý do lớn nhất khiến nhiều tỉnh thành không muốn xây dựng nhà máy nhiệt điện than.

Trong một cuộc họp với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 7.2018, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng đã cho biết: “để xin được địa điểm xây dựng nhiệt điện than rất khó, hầu hết các địa phương nói không với nhiệt điện”.

Nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 1 nằm ngay bên bờ biển, với bãi chứa tro xỉ ngay bên cạnh. Ảnh: Lê Quỳnh

Nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 1 nằm ngay bên bờ biển, với bãi chứa tro xỉ ngay bên cạnh. Ảnh: Lê Quỳnh

Ghi nhận của chúng tôi, tại Hà Tĩnh, dự kiến đến năm 2025, khi dự án Formosa, các nhà máy nhiệt điện than Formosa và 4 nhà máy nhiệt điện than Vũng Áng 1, 2, 3, 4 hoàn thành, theo Chi cục Bảo vệ môi trường, dự báo khí thải công nghiệp phát sinh sẽ là 200 triệu m3/ngày, tập trung ở khu kinh tế Vũng Áng; chất thải rắn công nghiệp phát sinh mỗi năm khoảng 7,4 triệu tấn, trong đó chủ yếu tro, xỉ các nhà máy nhiệt điện khoảng 1,8 triệu tấn/năm; bùn, bụi, xỉ thép, xỉ lò cao và các loại chất thải công nghiệp khác khoảng 5,6 triệu tấn/năm...

Lo ngại về sức chịu ngưỡng môi trường trên địa bàn, ông Đặng Ngọc Bình, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Bảo vệ môi trường cho biết: đã nhiều lần kiến nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường nghiên cứu, đánh giá sức chịu tải môi trường nền, trong đó tập trung đánh giá sức chịu tải của môi trường không khí, nước biển ven bờ tại Khu kinh tế Vũng Áng, nước mặt tại các lưu vực sông chính. Đánh giá này sẽ giúp tỉnh quyết định có nên tiếp tục thu hút các doanh nghiệp công nghiệp nặng nữa hay không. Tuy nhiên đến nay, kiến nghị này vẫn chưa có kết quả.

Theo ông Nguyễn Đình Lộc, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Hà Tĩnh, hiện tỉnh đang xây dựng đề án thay đổi Quy hoạch tổng thể của tỉnh tới năm 2050, với định hướng tập trung phát triển du lịch dịch vụ do lợi thế bờ biển dài, có nhiều di tích lịch sử, và phát triển công nghệ phụ trợ.

“Chúng tôi đã đề xuất Bộ Công thương nghiên cứu giảm phát triển điện than, khuyến khích các loại hình năng lượng tái tạo phát triển”, ông Lộc nói.

Với dân số gần 11.000 người, xã Hải Hà (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) trong năm liền (2013 - 2017), số chết do ung thư hàng năm từ 8 - 15 ca, chiếm khoảng từ 30-40% trong tổng số chết chung. Đặc biệt năm 2015 tỉ lệ này tăng vọt gần 45%, với 15 người chết do ung thư (phổi, gan, dạ dày và hạch) trên 34 người chết toàn xã/1 năm. Trong ảnh: bà Lê Thị Hiệp, ở chỉ cách nhà máy nhiệt điện than Nghi Sơn 1 khoảng 500m cho biết: nhà bà và hàng xóm quanh năm phải chịu cảnh bụi than thế này. Ảnh: Lê Quỳnh

Với dân số gần 11.000 người, xã Hải Hà (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) trong năm liền (2013 - 2017), số chết do ung thư hàng năm từ 8 - 15 ca, chiếm khoảng từ 30-40% trong tổng số chết chung. Đặc biệt năm 2015 tỉ lệ này tăng vọt gần 45%, với 15 người chết do ung thư (phổi, gan, dạ dày và hạch) trên 34 người chết toàn xã/1 năm. Trong ảnh: bà Lê Thị Hiệp, ở chỉ cách nhà máy nhiệt điện than Nghi Sơn 1 khoảng 500m cho biết: nhà bà và hàng xóm quanh năm phải chịu cảnh bụi than thế này. Ảnh: Lê Quỳnh

Tại Nghệ An, với kế hoạch sẽ xây dựng hai nhà máy nhiệt điện than Quỳnh Lập 1 và 2, ông Nguyễn Huy Cương, Phó giám đốc Sở Công thương tỉnh Nghệ An lo lắng nguồn than trong nước không đủ cung cấp, sẽ bị phụ thuộc vào việc nhập khẩu than.

Ngoài ra, theo ông Cương, rủi ro ô nhiễm môi trường rất lớn, dù sử dụng công nghệ hiện đại nhất là siêu tới hạn thì cũng chỉ giảm được 10% mức phát thải; dự án vẫn sẽ gây tác động tiêu cực, đặc biệt khi dự án đặt gần biển.

Ông Cương cho biết, trong các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều đại biểu địa phương luôn đề nghị dừng nhiệt điện than. Nhưng đây lại là quyết định từ cấp Chính phủ. Trong khi đó, tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo ở Nghệ An rất lớn, đặc biệt là vào mùa hè.

Bà Nguyễn Thị Minh Huệ, Phó Chi cục trưởng Chi cục môi trường tỉnh Thanh Hóa cho rằng: trong quy hoạch điện, Chính phủ rất cần hạn chế đặt các nhà máy nhiệt điện than vào những khu dân cư đã sống ổn định lâu đời. Điều này sẽ tránh được những xung đột về sinh kế của người dân, an sinh xã hội, các giá trị lịch sử, văn hóa địa phương, ô nhiễm môi trường,...

Điều đặc biệt, theo nhiều lãnh đạo cấp xã mà chúng tôi đã gặp, người dân cần được tham vấn trước, chứ không chỉ lấy ý kiến lãnh đạo trong quá trình lập quy hoạch điện.

Cần đồng thời cải thiện các chính sách liên quan tới nâng quy chuẩn bảo vệ môi trường không khí, nguồn nước, đánh thuế, phí phát thải nặng, và đặc biệt cần phải đẩy mạnh minh bạch thông tin, đảm bảo sự giám sát của xã hội, cộng đồng người dân...

Trao đổi với Người Đô Thị, bà Ngụy Thị Khanh, Giám đốc Trung tâm Phát triển sáng tạo xanh (GreenID) cho biết, khi nghiên cứu sự tham gia của công chúng vào quá trình quy hoạch điện vào năm 2011, GreenID đã không tìm thấy bất kỳ bằng chứng nào về sự tham gia của công chúng trong quy trình lập quy hoạch, chính sách của Chính phủ. Bà Khanh cho rằng, cộng đồng và người dân cần phải được tham gia chủ động vào quá trình phát triển tại cộng đồng, vì họ có vai trò vô cùng quan trọng đối với sự thịnh vượng của không chỉ các địa phương mà cả quốc gia.

Hiện nay Việt Nam đang dần có nhiều chính sách quan tâm hơn đến môi trường. Tuy nhiên vẫn còn một khoảng cách lớn giữa chính sách và thực thi trong thực tế. Để thu hẹp khoảng cách này, nhiều chuyên gia cho rằng, cần đồng thời cải thiện các chính sách liên quan tới nâng quy chuẩn bảo vệ môi trường không khí, nguồn nước, đánh thuế, phí phát thải nặng, và đặc biệt cần phải đẩy mạnh minh bạch thông tin, đảm bảo sự giám sát của xã hội, cộng đồng người dân…

Lê Quỳnh - nguoidothi.net.vn

(còn tiếp) 

 

Bình chọn tin tức: (4.5 / 1 đánh giá)

Tin tức liên quan

Tham luận công nghệ tiên tiến xử lý chất thải trong chăn nuôi phục vụ nông nghiệp tuần hoàn.

Tham luận công nghệ tiên tiến xử lý chất thải trong chăn nuôi phục vụ nông nghiệp tuần hoàn.

Hướng dẫn lựa chọn công nghệ tiên tiến xử lý chất thải trong chăn nuôi phục vụ nông nghiệp tuần hoàn, tiến tới nông nghiệp nhiệt đới bền vững và thích ứng biến đổi khí hậu.

Xem tiếp
Tuyển dụng nhân viên môi trường

Tuyển dụng nhân viên môi trường

Tuyển dụng nhân viên môi trường

Xem tiếp
Hệ thống xử lý nước thải công suất 30 m3/ngày đêm - Cơ sở giết mổ Anh Hoàng Thy

Hệ thống xử lý nước thải công suất 30 m3/ngày đêm - Cơ sở giết mổ Anh Hoàng Thy

Cty TNHH Anh Hoàng Thy là cơ sở giết mổ lớn với công suất giết mổ gia súc công suất 90 con/ngày, giết mổ gia cầm, công suất 900 con/ngày. Với lượng nước thải từ hoạt động giết mổ là không nhỏ trong khoảng 30m3/ngày.đêm ra môi trường.

Xem tiếp
Giải pháp Xử lý Nước Thải Chăn Nuôi Heo Hiệu Quả, Công Suất 400m3/ngày.đêm – Trang trại Trọng Khôi tại Hiếu Liêm

Giải pháp Xử lý Nước Thải Chăn Nuôi Heo Hiệu Quả, Công Suất 400m3/ngày.đêm – Trang trại Trọng Khôi tại Hiếu Liêm

Khám phá giải pháp công nghệ tiên tiến trong xử lý nước thải chăn nuôi tại Đồng Nai: giảm thiểu ô nhiễm môi trường, tối ưu hóa chi phí và đẩy mạnh phát triển bền vững cho ngành chăn nuôi.

Xem tiếp
Hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi heo - Trại Khang Minh An, công suất 75 m3/ngày.đêm

Hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi heo - Trại Khang Minh An, công suất 75 m3/ngày.đêm

Hệ thống xử lý nước thải chăn nuôi heo - Trại Khang Minh An, công suất 75 m3/ngày.đêm

Xem tiếp

CÔNG TY CỔ PHẦN HÓA PHÁT ĐỒNG NAI (MST: 3602468746)

 VP 7, Tầng 2, Sơn An Plaza, Đường Đồng Khởi, Phường Tam Hòa, Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai

 Kho hàng: Cụm công nghiệp Thạnh Phú - Thiện Tân, Xã Thiện Tân, Huyện Vĩnh Cửu, Tỉnh Đồng Nai

 (+84-251) 6293850 ¤ CSKH: 19007161   sales@hoaphatdongnai.com

 Chịu trách nhiệm nội dung: Mai N.H Thanh

  Hotline: 0902585156