Cách đây vài ngày, trong một cuộc họp báo, khi đề cập đến mùi hôi nặng nề từ bãi rác Đa Phước, lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho rằng "năm nay do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các mùa nên sẽ có mùi hôi".
Trước đó, khi gặp các sự cố hỏng hóc công trình hay một rủi ro môi trường nào đó như cá chết, nước ô nhiễm, úng lụt đô thị… một số quan chức cũng đổ do "biến đổi khí hậu". Những cách lý giải này rất thiếu hiểu biết về khái niệm "biến đổi khí hậu".
Trong nhiều giải thích khoa học, một định nghĩa mang tính tổng quát nhất, biến đổi khí hậu là sự thay đổi đặc điểm của hệ thống khí hậu mang tính thống kê khi xét qua những chu kỳ dài hoặc hàng thập kỷ hoặc lâu hơn.
Hoạt động của con người là nguyên nhân hoặc trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra thay đổi thành phần khí quyển toàn cầu, ngoài các thay đổi tự nhiên của khí hậu, và phải được quan trắc trên một chu kỳ thời gian dài, ít nhất là trên 30 năm.
Biểu hiện của biến đổi khí hậu như sự gia tăng nhiệt độ không khí, không giống như thiên tai cực đoan, mà diễn biến từ từ mang tính thống kê qua nhiều năm, mặc dầu có thể có xuất hiện những đột phát dị thường.
Trở lại câu chuyện ô nhiễm môi trường sống từ sự phát tán mùi hôi ở bãi rác ra không khí. Phần lớn rác thải sinh hoạt ở Việt Nam là rác hữu cơ so với lượng rác vô cơ. Bản chất của chất thải hữu cơ là chúng dễ phân hủy kỵ khí dưới ảnh hưởng của ánh sáng mặt trời và các loài vi khuẩn đã tạo ra một số khí, chủ yếu là carbon dioxide (CO2), methane (CH4), ammoniac (NH3), hydrogen sulfide (H2S) và một số chất hữu cơ bay hơi.
Mùi hôi đặc biệt khó chịu, độc hại chính là từ hydrogen sulfide và ammoniac, với mùi đặc trưng của trứng thối và khai nồng. Gió là một yếu tố phát tán mùi hôi ra khu vực lân cận nếu việc che chắn bằng tường xây, lớp đất chôn phủ, màng phủ đậy hay vành đai cây xanh quanh bãi rác không đảm bảo.
Nước thải từ rác không kiểm soát và xử lý cũng là nguồn gây ô nhiễm mùi hôi đáng kể ngoài việc gây ô nhiễm cả nguồn nước mặt và nước ngầm ở khu vực, ảnh hưởng nặng nề cho sức khỏe cộng đồng, hoạt động xã hội và môi trường đầu tư - phát triển.
Mùi hôi từ bãi rác Đa Phước phát tán ngày một lúc nhiều hơn chính là do việc phê duyệt thiết kế, kiểm soát ô nhiễm chưa tốt.
Hiện nay đang là mùa mưa, nhiệt độ không khí không cao, gió cũng không phải là thời điểm thổi mạnh nếu so với cùng thời điểm ở các năm trước mà mùi hôi tăng mạnh thì phải xem thời tiết chỉ là yếu tố phụ so với các nguyên nhân khác.
Người làm công việc quy hoạch, thiết kế và quản lý bãi rác phải có những chuẩn bị và phỏng đoán các tình huống kiểm soát quá tải và ngăn chăn nguy cơ gây tác động xấu đối với cộng đồng. Điều này thường phải đặt ra trong các hợp đồng và cấp phép hoạt động cho những công ty chuyên xử lý chất thải rắn như là một trong nhiều điều kiện ràng buộc về mặt kỹ thuật và quản lý.
Phía nhà nước, cơ quan kiểm soát môi trường phải có những hoạt động thường xuyên quan trắc, báo động, ngăn chặn và xử phạt nếu các tình huống này xảy ra.
Biến đổi khí hậu là một hệ quả của hiện tượng nóng lên toàn cầu do các hoạt động phát thải khí nhà kính quá nhiều do nguyên nhân chính từ các hoạt động của con người.
Đánh giá các tác động của biến động khí hậu lên các hoạt động kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, ô nhiễm không thể dựa vào các suy nghĩ chủ quan, võ đoán mà cần dựa vào các đo đạc chuẩn xác, các phân tích khoa học.
Giảm thiểu biến đổi khí hậu là một trong các cuộc vận động lớn cho toàn thể nhân loại để tìm giải pháp hạn chế, trong đó cả việc lợi dụng những cơ hội từ biến đổi khí hậu như phát triển năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng sóng biển, phát triển nghề làm gạch ngói, phơi sấy nông sản, gia tăng năng suất diêm nghiệ…
Nói tóm lại, biến đổi khí hậu là một hiện tượng đáng quan tâm và ứng phó nhưng chắc chắn nó không phải là thùng rác để chứa những sai sót, sai lầm và sai trái của ai đó đổ vào. Có người nói, với giọng nửa đùa nửa thật, là trong "biến đổi khí hậu" có… mùi tiền!
"Cơn mưa lớn đầu mùa hôm 20/5/2018 đã cuốn trôi tạp chất, rác thải trên mặt đất xuống sông và đổ về hạ nguồn. Cùng với mực nước tại khu vực nuôi cá lúc này đang thấp, khiến lượng oxy bị pha loãng, thiếu hụt trong nước" ông Võ Văn Chánh (Phó chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai) cho biết, nguyên nhân khiến hàng nghìn tấn cá nuôi trên sông La Ngà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) là do thiên tai.
Cái gì cũng... biến đổi khí hậu?
Gần đây nhiều quan chức có nhiệm vụ quản lý, khi có sự cố xảy ra lại tìm cách đánh lạc hướng chú ý của công luận và chính quyền cấp trên bằng việc đổ cho một tác nhân thứ ba nào đó, tác nhân có vẻ an toàn nhất là… "biến đổi khí hậu".
Phá rừng, khai thác khoáng sản vô tội vạ gây lũ quét, sạt lở cũng là do biến đổi khí hậu. Thi công cầu đường bị lún sụt, biến dạng, hư hỏng cũng đổ cho hiện tượng nóng lên toàn cầu. Tháp truyền hình đổ sập, đổ thừa cho bão tố bất thường, nhưng khi kiểm tra lại mới phát hiện xây dựng không đúng thiết kế. San lấp các vùng trũng, thiếu giám sát để người dân đổ rác bừa bãi gây ngập úng cũng ''cắt nghĩa'' là do mưa bất thường, triều cường dâng cao.
Ngoài ra, nhiều dự án khủng, cần chi hàng ngàn tỷ để xây dựng cũng lấy lý do chống khô hạn, xâm nhập mặn, nước biển dâng, lấy El Nino năm 2016 làm bằng chứng. Thậm chí, đòi làm những dãy công trình đê biển tốn hàng ngàn tỷ đồng để chống nước biển dâng ở cuối thế kỷ hay để phòng ngừa... siêu bão, sóng thần.
LÊ ANH TUẤN (Đại học Cần Thơ)
VP 7, Tầng 2, Sơn An Plaza, Đường Đồng Khởi, Phường Tam Hòa, Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Kho hàng: Cụm công nghiệp Thạnh Phú - Thiện Tân, Xã Thiện Tân, Huyện Vĩnh Cửu, Tỉnh Đồng Nai
(+84-251) 6293850 ¤ CSKH: 19007161 sales@hoaphatdongnai.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Mai N.H Thanh