Trước đề nghị của Bộ Công Thương về việc đề nghị Chính phủ không cho phép Lee & Man triển khai dự án bột giấy tại Hậu Giang, TS Nguyễn Đức Kiên – Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, dù kiện cáo chúng ta cũng phải chấp nhận
Nhà máy giấy của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam và nhà máy bột giấy của Công ty TNHH Bột giấy Lee & Man Việt Nam được UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành.
Dự án nhà máy giấy của Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam (thuộc Tập đoàn Lee & Man Paper Hong Kong – Trung Quốc) với vốn đầu tư 1,2 tỷ USD được khởi công xây dựng tháng 8/2007 tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Sau đó, dự án gặp một số khó khăn, bị đình trệ đến năm 2014 mới khởi động lại. Mới đây, Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) đã gửi công văn lên Thủ tướng cho biết dự án xây dựng nhà máy giấy của Công ty TNHH giấy Lee & Man Việt Nam nằm trên cặp bờ sông Hậu (thuộc tỉnh Hậu Giang) sắp đi vào hoạt động đang khiến người dân cũng như doanh nghiệp thủy sản tại đây hoang mang. Theo VASEP, công nghiệp giấy chủ yếu xả thải xút (NaOH) là nhiều nhất, đứng thứ hai sau cyanuya, thạch tín. Trong khi đó, khu vực này không có hệ thống xử lý nước thải trung tâm đảm bảo yêu cầu an toàn. Để ngăn chặn nguy cơ ô nhiễm có thể xảy ra, VASEP gửi công văn khẩn cấp tới Quốc hội và Chính phủ đề nghị chỉ đạo gấp việc kiểm tra, rà soát công nghệ xử lý nước thải của dự án trên. |
Nhà máy Giấy Lee & Man với cột ống khói to, cao cả trăm mét đứng sừng sững như cây cột “đội trời” khiến người nuôi cá bè ở đây lo âu thấp thỏm.
“Chúng ta sai thì chúng ta sửa”
Hai dự án nhà máy giấy của Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam và nhà máy bột giấy của Công ty TNHH Bột giấy Lee & Man Việt Nam do Tập đoàn Lee & Man Paper Hồng Kông – Trung Quốc làm chủ đầu tư với 100% vốn nước ngoài, được UBND tỉnh Hậu Giang cấp giấy chứng nhận đầu tư tại xã Phú Hữu A, huyện Châu Thành.
Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, vào thời điểm năm 2007 UBND tỉnh Hậu Giang chỉ hỏi ý kiến bộ chuyên ngành (lúc đó là Bộ Công nghiệp) về dự án giấy bao bì, nhưng không hỏi ý kiến về dự án bột giấy là sai quy trình. Hơn nữa, khu vực Tây Nam Bộ cũng không được quy hoạch để xây dựng nhà máy bột giấy.
Trước vấn đề này, TS Nguyễn Đức Kiên cho rằng, khi có sự đầu tư từ các nhà đầu tư nước ngoài chúng ta cũng đã có những sở cứ nhất định và đã cân nhắc cũng như xem xét lại tính khả thi của đề xuất đấy.
Tuy nhiên qua câu chuyện này cũng đặt cho chúng ta một nhiệm vụ trong thời gian tới là phải xem xét lại sự phân cấp trong việc phê duyệt các dự án đầu tư giữa Trung ương và địa phương để đảm bảo làm sao vừa nhanh vừa thông thoáng, nhưng phải phát triển bền vững chứ không phải phát triển như Thủ tướng nói là “không tăng trưởng bằng mọi giá mà hủy hoại tới môi trường”.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cũng khẳng định:“Dù kiện cáo chúng ta cũng phải chấp nhận thôi bởi vì không thể để việc phá hoại môi trường xảy ra, còn nếu chúng ta làm sai thì chúng ta thẳng thắn nhận, chúng ta sai thì chúng ta sửa. Nếu chúng ta gây thiệt hại cho nhà đầu tư thì chúng ta sẽ đền bù”.
hệ thống xử lý nước thải trong nhà máy Lee & Man Việt Nam
Không ảnh hưởng đến môi trường đầu tư
Trước lo ngại về việc dừng dự án trên sẽ ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, ông Kiên xua tay: “Không! Đừng có chụp cái mũ ảnh hưởng đến môi trường đầu tư. Ngay từ đầu chúng ta nói chúng ta sai thì chúng ta sửa, chúng ta gây thiệt hại cho nhà đầu tư thì chúng ta đến bù thì làm sao lại ảnh hưởng đến các nhà đầu tư khác. Chúng ta sẽ có một môi trường đầu tư tốt nếu chúng ta công khai minh bạch cái quyết định của chúng ta”.
Ông Kiên cũng cho rằng: “Việc đấy nhà đầu tư cũng sẽ rất vui vẻ khi họ nghe chúng ta giải thích rằng chúng ta không thể để cho họ đầu tư cái dự án đấy ở khu vực đấy vì nó phá hủy môi trường của toàn bộ 4 tỉnh khu vực hạ lưu sông Hậu và ảnh hưởng tới khoảng 6 triệu người dân trong khu vực bao gồm các tỉnh Hậu Giang, Trà Vinh, Cần thơ và Sóc Trăng”.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội tin tưởng nhà đầu tư hoàn toàn chấp thuận yêu cầu trên vì họ là những người đi trước chúng ta nên họ hiểu giá trị của việc bảo vệ môi trường.
“Khi chúng ta thuyết phục được thì tôi tin là các nhà đầu tư cũng sẽ tin vào phương án của chúng ta, hoặc là họ sẽ tư vấn cho chúng ta có một phương thức xử lý môi trường phù hợp với mục tiêu của chúng ta: Tăng trưởng nhưng phải đảm bảo tính bền vững” – ông Kiên khẳng định.
Mới đây, Bộ Công Thương dự kiến có ý kiến trình Chính phủ đề nghị Thủ tướng chỉ đạo UBND tỉnh Hậu Giang không cho phép chủ đầu tư tiếp tục triển khai dự án nhà máy bột giấy. Riêng dự án nhà máy giấy, Bộ Công Thương thấy rằng đáp ứng nhu cầu của thị trường, giải quyết công ăn việc làm, tăng thu cho ngân sách địa phương và góp phần phát triển kinh tế. Quy trình sản xuất giấy bao bì từ giấy loại carton sử dụng hóa chất không đáng kể, chất thải rắn được loại ra trong quá trình tuyển lựa nguyên liệu giấy hạn chế gây ô nhiễm môi trường. Vì vậy, Bộ Công Thương đề nghị sau khi có kết luận của Bộ Tài nguyên và Môi trường, nếu dự án đáp ứng được các quy định của nhà nước về môi trường thì đề nghị Chính phủ xem xét có thể cho phép chủ đầu tư tiếp tục triển khai nhà máy sản xuất giấy. Trước đó, ngày 30/6, Tổng cục Môi trường đã triển khai quyết định thanh tra việc thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, trong đó có Công ty TNHH Giấy Lee & Man Việt Nam. Thời gian thanh tra bắt đầu từ ngày 1-7, kéo dài trong 45 ngày. |
Theo DĐDN
VP 7, Tầng 2, Sơn An Plaza, Đường Đồng Khởi, Phường Tam Hòa, Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Kho hàng: Cụm công nghiệp Thạnh Phú - Thiện Tân, Xã Thiện Tân, Huyện Vĩnh Cửu, Tỉnh Đồng Nai
(+84-251) 6293850 ¤ CSKH: 19007161 sales@hoaphatdongnai.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Mai N.H Thanh