Dưới đây là 8 ghi nhận của Facebooker Nguyễn Phan Huy Khôi (Hà Nội) trong hành trình đến miền trung, nơi đang gánh chịu sóng gió về việc cá chết hàng loạt mà cho đến nay chính quyền vẫn “chưa” làm rõ được nguyên nhân.
Theo Phan Huy Khôi đánh giá thì chuyến đi thực cũng là chuồn chuồn thấp nước, không có nghiệp vụ sâu mà cũng không đủ thời gian để xem xét. Tạm thời lượm lặt và ghi nhận được một số thông tin thế này:
Thứ nhất, cá chết là có thật, mà chết nhiều. Không chỉ cá tự nhiên mà cả cá nuôi, tôm, ngao nuôi... cũng chết trên diện rộng. Hà Tĩnh chết hơn 40 ngàn con cá, hơn 90 ngàn con tôm, hơn 20 ngàn con ngao, tập trung ở huyện Kỳ Anh và thị xã Kỳ Anh. Quảng Bình chết hơn 20 tấn cá, tôm ở các huyện Quảng Trạch, Bố Trạch, Quảng Ninh, Lệ Thủy và thành phố Đồng Hới. Quảng Trị chết hơn 30 tấn cá, tôm tại các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong, Hải Lăng. Thừa Thiên Huế có thiệt hại nhẹ nhất, có khoảng 6.000 cá chết tại các huyện Quảng Điền và Phú Lộc.
Thứ hai, chim chết là có thật. Không chỉ nghe bà con nói mà thực tế mình cũng thấy vắng bóng chim.
Thứ ba, tổ chức Đoàn Thanh niên tại các tỉnh đã làm rất tốt, phát huy cao độ tinh thần xung kích. Dọc tuyến khảo sát mình thường xuyên nhìn thấy áo xanh thanh niên tình nguyện tuyên truyền vận động bà con nhân dân không ăn cá chết, không buôn bán cá chết. Dọc các bờ biển, thanh niên tình nguyện tổ chức tuần tra, thu gom và sử dụng vôi bột để tiêu hủy xác cá chết dạt vào bờ.
Thứ tư, theo phản ánh của bà con thì hiện tượng cá chết đã giảm nhiều. Số lượng cá chết dạt vào bờ ghi nhận trên toàn tuyến 4 km bờ biển ở xã Kỳ Nam (thị xã Kỳ Anh) trong ngày hôm qua chỉ khoảng chục con.
Thứ năm, tại xã Kỳ Hải (huyện Kỳ Anh) khi khảo sát khu nuôi ngao, bà con nói ngao chết rất nhiều. Hàng năm thời điểm này ngao có thể chết khoảng 20-30% do dịch, nhưng năm nay chết trên 70% đến 80%. Tuy nhiên hôm qua mình cũng ghi nhận cá con bơi lội theo đàn trong khu vực nuôi ngao, bình thường như cân đường hộp sữa. Tóm lại nếu trong nước biển có độc tố, thì hoặc có loại cá có thể đề kháng hoặc có những khu vực ít độc tố hơn. Điểm này mình mù tịt nên thấy thế nào thì nói thế, cấp thêm hiện tượng cho mọi người biết thôi.
Thứ sáu, theo số liệu thống kê từ các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, hiện có 1800 hộ ngư dân, hộ gia đình nuôi trồng thủy sản đang trực tiếp chịu ảnh hưởng nặng nề do hiện tượng cá chết dọc bờ biển. Khúc ruột miền Trung vốn đã khô cằn, sỏi đá, mỗi năm phải gồng mình trước không biết bao nhiêu đợt thiên tai, hạn hán, lũ lụt… nay lại phải gánh thêm hậu quả nặng nề. Bà con ngư dân phải bỏ thuyền không ra khơi đánh cá, vì có ra khơi thì cá bắt về không biết bán cho ai. Những hộ nuôi thủy sản ven bờ cũng lâm vào cảnh khốn khó khi thủy sản bị chết hết, những người dân đang quen với công việc bám biển nay lại bơ vơ khi không biết phải làm gì để sống, không có nguồn thu trả lãi vay ngân hàng đóng thuyền, mua giống..., nhiều đứa trẻ có nguy cơ phải nghỉ học giữa chừng.
Thứ bảy, nhiều người khi nghe thông tin mình đi khảo sát thực địa cũng đã chia sẻ: Chính quyền địa phương cũng như các Bộ ngành liên quan phản ứng quá chậm và lòng vòng, bị động chạy theo dư luận. Theo quan điểm cá nhân, mình cũng mong muốn chính quyền công khai, minh bạch thông tin, và thao tác nhanh hơn nữa, đặc biệt trong các vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống dân sinh.
Thứ tám, mình tin Chính quyền sẽ sớm có câu trả lời thỏa đáng, công tội rõ ràng trong chuyện này và có ứng xử phù hợp để cải thiện tình hình.
VP 7, Tầng 2, Sơn An Plaza, Đường Đồng Khởi, Phường Tam Hòa, Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
ĐĐKD: 57H, Đường Đồng Khởi, KP3, Phường Trảng Dài, Thành Phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
(+84-251) 6293850 ¤ CSKH: 19007161 sales@hoaphatdongnai.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Mai N.H Thanh