Hiện nay cả nước có 20 nhà máy nhiệt điện than hoạt động, chiếm khoảng 35% tổng điện sản xuất. Theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (gọi tắt Quy hoạch điện VII) hiệu chỉnh, đến năm 2030 Việt Nam sẽ có 66 nhà máy nhiệt điện than, chiếm 53,2% tổng điện sản xuất.
Dự kiến giai đoạn 2018 – 2022, tổng công suất các nguồn điện đưa vào vận hành là 34.864 MW, trong đó nhiện điện than là 26.000 MW. Tới nay, 7 dự án nhiệt điện than đã được khởi công và đang xây dựng với công suất 7.860 MW, còn thiếu 18.000 MW theo yêu cầu.
Mới đây, Bộ Công thương cảnh báo nguy cơ thiếu điện trong 5 - 7 năm tới do việc xây dựng nhà máy nhiệt điện than không đúng tiến độ, bị nhiều địa phương từ chối.
Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho rằng trong giai đoạn tới, nhiệt điện than vẫn cần đóng vai trò chủ yếu trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia. Lý do, thủy điện vừa và lớn cơ bản đã khai thác hết, các nguồn điện khác như điện khí còn hạn chế (đưa vào cân đối dài hạn chỉ dừng ở mức trên 12.000 MW với sản lượng điện khoảng 63 tỷ kWh/năm), năng lượng tái tạo (NLTT) chưa đảm bảo hoạt động ổn định cho hệ thống điện,…
Ngư dân xã Hải Hà (huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa) có nguy cơ mất nghề truyền thống đi biển, vì đất lúa, làm muối của mình đã phải nhường cho dự án nhiệt điện than tại đây và hiện nay bến neo thuyền của họ cũng đang có nguy cơ bị giải tỏa để "nhường" đất cho cảng than nhiệt điện Nghi Sơn 2 vào thời gian tới. Ảnh: Bảo Châu
Tuy nhiên, báo cáo “Sự khủng hoảng trong thành công ngành điện điện ở Việt Nam” công bố vào cuối tháng 12.2018 của GS David Dapice (Nhà kinh tế trưởng của Chương trình Việt Nam tại Đại học Havard) với sự đóng góp của một số chuyên gia từ trường Chính sách công và quản lý Fulbright Việt Nam, lại cho thấy: Việt Nam đang sử dụng điện rất không hiệu quả.
Tốc độ tăng nhu cầu điện hàng năm của Việt Nam là 12%, nhanh hơn bất kỳ nền kinh tế châu Á có điều kiện kinh tế tương tự, và dự báo sẽ vào khoảng 8 - 9% hàng năm cho đến 2030. Tuy nhiên Việt Nam cần gấp đôi lượng điện để tạo ra cùng một đơn vị GDP thực so với Thái Lan; lượng điện sử dụng cho mỗi đơn vị sản lượng còn cao hơn cả Trung Quốc.
Trong khi đó, mức tiêu thụ than của Việt Nam trong 5 năm qua tăng 75%, nhanh hơn bất kỳ nước nào trên thế giới; mặc dù vậy, Việt Nam đang phải nhập khẩu than.
Còn khí thiên nhiên khai thác trong nước bị đánh thuế cao, dù là nguyên liệu sạch hơn so với than. Than nhập khẩu hầu như không bị đánh thuế. Nếu tính tổn thất do bệnh tật và tử vong tăng thêm vì ô nhiễm, thì khí sẽ rẻ hơn than. Chi phí xã hội do ô nhiễm không khí ngày càng hiện rõ qua các năm.
Chưa kể, so với nhiệt điện than, điện khí và đặc biệt là NLTT cần ít thời gian hơn và công suất có thể điều chỉnh theo nhu cầu. Phải mất đến 3 - 5 năm để xây dựng nhà máy điện than và thời gian đầu tư là 30 - 40 năm; một khi đã bắt đầu xây dựng thì không thể dừng lại.
Báo cáo của GS David Dapice cho thấy, có nhiều lý do dẫn đến chi phí NLTT cao ở Việt Nam, chủ yếu liên quan đến những ràng buộc trong hợp đồng mua bán điện (PPA) - làm tăng chi phí điện gió và mặt trời ít nhất là gấp đôi.
Cụ thể, đất được các địa phương phân bổ hay cấp phép cho quá nhiều chủ đầu tư không thông qua đánh giá năng lực tài chính và khả năng thực hiện dự án. Giá bán điện năng sản xuất ra từ nguồn NLTT (giá FIT) cao, và năng lực hòa lưới điện hạn chế.
Theo hợp đồng PPA, EVN sẽ không muốn thực hiện thỏa thuận “mua hoặc trả” (take-or-pay), trong khi đây là loại hợp đồng có khả năng thu hút vốn quốc tế. Thay vào đó là lời hứa mua điện không chắc chắn.
GS David Dapice cho rằng, cách duy nhất để NLTT đóng vai trò lớn như ở các nước khác là giảm chi phí và cải thiện lưới điện, đồng thời đảm bảo tính chắc chắn của hợp đồng cung ứng điện sao cho điện gió và mặt trời có thể được bán ra có lợi và rẻ hơn than.
Việc giảm giá FIT nhưng tăng mức độ cam kết của hợp đồng mua điện sẽ thu hút được nguồn vốn quốc tế với chi phí thấp.
Việc tìm kiếm cách thức để tích hợp điện tái tạo với các nguồn phát điện hiện hữu, bổ sung hệ thống pin trữ điện, sẽ giúp Việt Nam đạt được hiệu quả kinh tế cao hơn đối với NLTT.
Một nghiên cứu khác, “Các kịch bản phát triển nguồn điện tại Việt Nam” do GreenID thực hiện trong hai năm 2016 – 2017 cũng cho thấy Việt Nam có tiềm năng cao về sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả, có thể giảm khoảng 17.000 MW điện so với kịch bản thông thường.
Vì vậy, trong xu hướng NLTT đang phát triển rất nhanh trên thế giới, GreenID kiến nghị Việt Nam không cần xây thêm nhiệt điện than mới - do thực tế khó khăn và khó khả thi trong tiếp cận nguồn tài chính, việc không ủng hộ của cộng đồng và sự phụ thuộc vào nguồn nhập khẩu than hiện nay. Thay vào đó, cần có các giải pháp phát triển năng lượng sạch khẩn trương và bền vững, thúc đẩy thị trường NLTT.
Bản đồ các nhà máy nhiệt điện than đến năm 2030
Ngày 17.1 và 18.1 vừa qua, Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với một số đơn vị, tổ chức quốc tế tổ chức hội thảo chuyên đề về "Chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu và củng cố an ninh năng lượng, đảm bảo phát triển bền vững”. Tại hội nghị này, nhiều chuyên gia nhận định biến đổi khí hậu luôn có mối quan hệ chặt chẽ, gây ra những ảnh hưởng đáng kể đến an ninh năng lượng. Vì thế, Chính phủ Việt Nam cần phải giảm sự phụ thuộc năng lượng vào than và tăng NLTT, hỗ trợ khả năng cạnh tranh lĩnh vực tư nhân, tạo điều kiện đầu tư dài hạn, nắm bắt cơ hội và thúc đẩy kinh tế.
Theo Bộ Công thương, tính đến cuối tháng 8.2018, có 121 dự án điện mặt trời đã được bổ sung vào quy hoạch phát triển điện lực quốc gia và cấp tỉnh với tổng công suất dự kiến phát điện trước năm 2020 là 6.100 MW. Đây được xem là một cuộc chạy đua của các nhà đầu tư, khi mà tháng 9.2019 sẽ là thời điểm kết thúc áp dụng mức giá mua điện 9,35 cent/kWh điện mặt trời (theo Quyết định 11/2017/QĐ-TTg của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời tại Việt Nam). Đối với điện mặt trời trên mái nhà nối lưới, cũng đã có 748 dự án được triển khai trên cả nước, với tổng công suất 11,55 MW…
Tuy nhiên, trong bối cảnh phát triển năng lượng theo Quy hoạch điện VII hiện nay, nhiều chuyên gia nhận định cần có cái nhìn lùi lại, bình tĩnh hơn. Trước hết cần giải quyết vấn đề gốc với một Chiến lược an ninh năng lượng quốc gia phải được hoàn chỉnh.
Nhà máy nhiệt điện than Nghi Sơn 1 tại xã Hải Hà. Báo cáo số ca tử vong của xã Hải Hà, trong 5 năm liền (2013 - 2017) cho thấy: dân số toàn xã là gần 11.000 người, mỗi năm có từ 8 - 15 ca chết vì ung thư, chiếm khoảng 30 - 40% trong tổng số ca chết. Đặc biệt năm 2015, tỉ lệ này tăng vọt gần 45% với 15 người chết do ung thư phổi, gan, dạ dày và hạch trên tổng 34 người chết toàn xã,… Bác sĩ Nguyễn Trọng An, phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng nhận định, đây là những tỉ lệ rất cao, đáng báo động. Ảnh: Lê Quỳnh
“Quy hoạch điện VII cho thấy mới chỉ là một mảnh ghép của bức tranh còn dang dở này. Quy hoạch này mới chỉ nhìn một mảnh vấn đề: vấn đề phát điện, tức là nguồn cung điện. Hai mảnh ghép không kém phần quan trọng còn lại: là quản lý “cầu” - tức tiêu thụ điện; và tổ chức và quản trị thị trường điện năng không nằm trong bản quy hoạch điện VII”, ông Nguyễn Quang Đồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và Phát triển truyền thông (IPS), cảnh báo.
“Hy vọng sẽ có những cuộc thảo luận thật tâm”
“Các địa phương có thể bắt đầu từ đâu để đảm bảo được sự phát triển bền vững tại địa phương mình mà không bị phụ thuộc vào nhiệt điện than, và vẫn đảm bảo được yêu cầu năng lượng quốc gia?”
Trả lời câu hỏi trên của Người Đô Thị, GS David Dapice cho rằng đây là một vấn đề cần phải được giải quyết ở cấp cao hơn. Trung ương Đảng và Quốc hội cần thúc giục Bộ Công thương cho phép đầu tư nhiều hơn vào lưới điện, đưa năng lượng tái tạo đến nơi cần đến chúng, và có các nhà máy điện hoạt động bằng khí, hoặc kết hợp giữa năng lượng tái tạo với các nhà máy điện khí và thủy điện hiện có - thông qua quản lý lưới điện tốt hơn sẽ mang lại hiệu quả. Đối với chính quyền địa phương, GS David Dapice cho rằng, đơn giản là nói không với điện than và kiến nghị EVN, Bộ Công thương phải có một quy hoạch tốt hơn những gì họ có thể làm.
“Tôi hy vọng sẽ có những cuộc thảo luận thật tâm về những vấn đề trong phát triển nhiệt điện than và năng lượng tái tạo hiện nay. Nhìn vào Ấn Độ, điện tái tạo (không có hỗ trợ của Nhà nước) hiện đang được bán với giá chỉ 3,5 cents cho 1 kWh và làm cho đầu tư vào điện than phải bị hủy bỏ là một ví dụ có thể xem xét. Nếu không vì nguồn tiền rẻ cho than (Trung Quốc chiếm phần lớn) cho EVN - cơ quan gặp khó khăn về tiền mặt và tài chính - tôi nghĩ rằng những thảo luận về vấn đề này sẽ kết thúc sớm hơn rất nhiều”, GS David Dapice nhấn mạnh.
Lê Quỳnh - nguoidothi.net.vn
VP 7, Tầng 2, Sơn An Plaza, Đường Đồng Khởi, Phường Tam Hòa, Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Kho hàng: Cụm công nghiệp Thạnh Phú - Thiện Tân, Xã Thiện Tân, Huyện Vĩnh Cửu, Tỉnh Đồng Nai
(+84-251) 6293850 ¤ CSKH: 19007161 sales@hoaphatdongnai.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Mai N.H Thanh