Lối đi do “chủ đầu tư” tạo ra để vận chuyển đất ở ấp Cây Dầu (xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú) ra ngoài. |
Tại ấp Cây Dầu (xã Thanh Sơn, huyện Tân Phú), theo ghi nhận của phóng viên, quả đồi rộng cả chục hécta đã bị đào lấy đất gần hết. Nhìn từ xa, nơi đây như một đại công trường với ngổn ngang gò, ụ sót lại sau khi múc đất.
* Đồi tràm thành… “công trường” khai thác đất
Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Tân Phú Lương Như Phong cho biết cuối tháng 7-2017, Phòng Tài nguyên - môi trường huyện đã tham mưu cho UBND huyện ra quyết định xử phạt 30 triệu đồng đối với một cơ sở tôn giáo ở xã Phú Sơn vì đã có hành vi khai thác đất bán. Theo ông Phong, mỗi ngày cơ sở này khai thác khoảng 25 xe tải đất đem bán. |
Người dân địa phương cho biết quả đồi này được bao bọc xung quanh bởi các nhà dân, do nhiều chủ đất đứng tên. Trước đây, quả đồi được người dân trồng tràm. Vài năm trở lại đây, đồi tràm đã bị thay bằng một “công trường” khai thác đất, đá.
Để đi vào “công trường” khai thác đất, “chủ đầu tư” đã tạo một lối đi rộng khoảng 6m, dài 300m đi qua vườn nhà dân. Hàng ngày, hàng trăm chuyến xe tải chở đầy đất, đá từ “công trường” theo con đường tự tạo này tỏa đi các nơi.
Nhà gần sát khu vực khai thác đất ở ấp Cây Dầu, ông N.M.L. cho biết việc lấy đất đồi ở đây đã diễn ra nhiều năm; nhưng khoảng 1 năm nay, tình trạng khai thác đất mới được thực hiện một cách rầm rộ và “có tổ chức”.
Nói là “có tổ chức” vì theo ông L., khu đất này được một người tên P. (ở xã Phương Lâm, huyện Tân Phú) mua lại của các chủ đất, sau đó đưa máy móc vào khai thác đất đem bán cho những người có nhu cầu vật liệu san lấp.
Cũng theo ông L., đồi tràm phía sau nhà ông trước đây đã biến mất; thay vào đó là một “công trường” với gò, ụ ngổn ngang và lởm chởm đất, đá.
Tương tự, tại ấp Bàu Chim (xã Phú Xuân, huyện Tân Phú), chúng tôi thấy quả đồi Mung 1 đã bị “xẻ thịt” (lấy đất) nham nhở.
Người dân địa phương cho biết việc khai thác đất ở đây diễn ra khoảng 3 năm nay. Do nơi đây có gắn biển “Khu quân sự” nên người dân không để ý, mọi người chỉ biết mỗi ngày ngọn đồi lại bị người ta xẻ đất chở đi nơi khác.
Theo ghi nhận của phóng viên, quả đồi rộng vài hécta, cao hàng trăm mét đã bị “xẻ thịt” xung quanh, tạo thành những bức tường thành cao vút.
Nhìn từ xa, quả đồi Mung 1 ở ấp Bàu Chim (xã Phú Xuân, huyện Tân Phú) bị “xẻ thịt” nham nhở. |
* có hay không sự đồng ý của chính quyền?
Nhiều người dân địa phương cho biết điều khiến họ bức xúc là việc khai thác đất ở các ngọn đồi đã gây ô nhiễm môi trường, đặc biệt là các xe tải vận chuyển đất, đá gây mất an toàn giao thông.
Tại điểm khai thác đất ở ấp Cây Dầu, người dân cho biết vào lúc cao điểm mỗi ngày có hàng trăm chuyến xe tải lớn nhỏ chở đất ra vào. Từ một con đường nhỏ bình yên, nay tuyến đường dài khoảng 4km nối xã Thanh Sơn với quốc lộ 20 mỗi ngày phải oằn mình “gánh” hàng trăm chuyến xe tải chở đất dẫn đến xuống cấp. “Ngày mưa còn đỡ, những ngày nắng xe ra vào lấy đất làm bụi bay mù mịt” - một người dân ở ấp Cây Dầu cho biết.
Tại ấp Bon Gõ (xã Thanh Sơn), bà M. cho biết tình trạng xe tải chở đất chạy ầm ầm mỗi ngày khiến con đường bê tông của xã hư hỏng. Nhiều tài xế còn chạy ẩu khiến cho nhiều người đi đường luôn nơm nớp lo xảy ra tai nạn.
Nói về việc khai thác đất ở ấp Cây Dầu, cả ông L. và bà M. đều cho rằng phải có sự đồng ý của chính quyền địa phương thì những người này mới dám làm như vậy, vì việc khai thác đất diễn ra rầm rộ cả năm mà không thấy cơ quan nào xử lý. “Chính quyền có cho người ta mới dám lấy đất chứ. Nếu chính quyền không cho mà vào lấy, người ta bắt luôn rồi” - bà M nói.
Tại ấp Bàu Chim, trước phản ánh của người dân về tình trạng khai thác đất ở đồi Mung 1 gây ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân, Chủ tịch UBND xã Phú Xuân Lê Hà cho biết, trên địa bàn xã có một điểm khai thác đất, nhưng do đơn vị quân đội quản lý nên địa phương không can thiệp được.
Đối với tình trạng xe tải vận chuyển đất gây ô nhiễm môi trường và mất an toàn giao thông, xã đã kiến nghị với huyện yêu cầu đơn vị khai thác đảm bảo môi trường, an toàn cho người dân. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát giao thông phải thường xuyên kiểm tra các phương tiện chở đất, tránh tình trạng chở quá tải làm hư hỏng đường.
Trưởng phòng Tài nguyên - môi trường huyện Tân Phú Lương Như Phong cho biết, việc khai thác đất không phép tại một số xã trên địa bàn huyện xuất phát từ việc trước đây Ban Chỉ đạo phòng, chống thiên tai của huyện tham mưu cho UBND huyện thực hiện chống sạt lở ở một số điểm.
Huyện cũng cấp phép cho một số điểm khai thác đất để làm vật liệu san lấp. Việc này được thực hiện theo chủ trương, nhưng sau một thời gian dù hết thời hạn cấp phép nhưng một số người vẫn tiến hành khai thác đất để đem bán.
Ông Phong cho biết thêm, sau khi có thông tin phản ánh của cơ quan truyền thông về tình trạng khai thác đất, đá không phép đem bán, huyện đã cử cán bộ đến hiện trường kiểm tra, rà soát lại các điểm này để có báo cáo cụ thể. Thanh tra Sở Tài nguyên - môi trường cũng đã lập đoàn đi kiểm tra để có hướng xử lý. Hiện các địa điểm khai thác đất này đều ngưng hoạt động.
Lãnh đạo Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Tân Phú cho biết địa phương đang chờ kết luận thanh tra của Sở Tài nguyên - môi trường, sau đó sẽ có biện pháp xử lý dứt điểm với tình trạng khai thác đất không phép đem bán.
Đối với các địa điểm người dân tự khai thác đất, đá đem bán, thời gian qua cán bộ Phòng Tài nguyên - môi trường huyện Tân Phú đã phát hiện và lập biên bản, xử lý một số trường hợp. Về tình trạng xe tải ben vận chuyển đất, đá gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn giao thông ở khu vực có khai thác đất (đá), sau khi có kiến nghị của địa phương, các đơn vị liên quan đã tiến hành kiểm tra, xử lý.
Trần Danh - baodongnai.com.vn
VP 7, Tầng 2, Sơn An Plaza, Đường Đồng Khởi, Phường Tam Hòa, Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Kho hàng: Cụm công nghiệp Thạnh Phú - Thiện Tân, Xã Thiện Tân, Huyện Vĩnh Cửu, Tỉnh Đồng Nai
(+84-251) 6293850 ¤ CSKH: 19007161 sales@hoaphatdongnai.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Mai N.H Thanh