|
Sơ đồ nhà máy xử lý nước thải TP Cần Thơ. Ảnh: Cửu Long
|
Nhà máy xử lý nước thải Cần Thơ thi công năm 2007, có công suất xử lý 30.000 m3 nước thải một ngày đêm, với vốn đầu tư hơn 19 triệu Euro, tương đương 500 tỷ đồng. Trong đó, vốn vay ODA của Đức hơn 10,4 triệu Euro, còn lại là đối ứng từ ngân sách địa phương, do Công ty cấp thoát nước Cần Thơ làm chủ đầu tư. Dự kiến hoạt động năm 2010, nhưng đến nay nhà máy mới hoàn thành, chưa nghiệm thu.
Theo chủ đầu tư, đến nay hai tuyến cống thu gom nước thải Bắc và Nam Cần Thơ dài 23 km và các trạm bơm hoàn thành. Còn nhà máy xử lý nước thải tại quận Cái Răng mới vận hành thử nghiệm với khối lượng 2.000 m3 một ngày đêm. Nhưng nước thải sau khi xử lý chỉ đạt tiêu chuẩn cột B (tiêu chuẩn Việt Nam về nước thải công nghiệp - giới hạn ô nhiễm cho phép).
Theo quy định mới, nước thải sau xử lý phải đạt tiêu chuẩn cột A mới được xả ra môi trường. Vì thế, hiện nước sau xử lý vẫn tạm trữ ở các hồ điều hòa, chưa thể xả ra sông Hậu.
Nguyên nhân được cho là dự án nghiên cứu từ những năm 90 của thế kỷ trước, phê duyệt năm 2003, nên bối cảnh, thực trạng có nhiều thay đổi. "Nhà máy đang tồn tại nhiều bất cập về chất lượng nước xử lý và tiêu chuẩn xả thải ra môi trường. Đặc biệt là xả thải ra sông Hậu, khi nguồn nước từ con sông này cũng được lấy vào một nhà máy khác để xử lý cung cấp nước sạch cho người dân", bà Võ Thị Hồng Ánh, Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ, nói.
Nhà máy xử lý nước thải tọa lạc rất gần nhà máy cung cấp nước sinh hoạt cho nhiều quận trung tâm Cần Thơ. Cả hai cùng nằm sát sông Hậu, trên địa bàn quận Cái Răng.
Ông Nguyễn Hữu Lộc - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cấp thoát nước Cần Thơ cho rằng, dự án kéo dài do vật giá tăng mạnh vào năm 2008-2009 khiến nhà thầu gặp khó khăn lớn; phải điều chỉnh lại giá trị xây lắp trong khi nhà tài trợ không bổ sung thêm kinh phí. Năm 2014, nhà thầu chính ở Đức bị phá sản; mất nhiều thời gian để giải quyết việc vi phạm hợp đồng… nên công trình chậm trễ.
|
Dự án xử lý nước thải TP Cần Thơ có vốn đầu tư 500 tỷ đồng nhưng không đáp ứng được điều kiện xả thải. Ảnh: Cửu Long
|
Theo chủ đầu tư, lúc dự án triển khai xây dựng, tiêu chuẩn xử lý nước thải ra môi trường đã có cột B, cột A. Tuy nhiên, quy định chỉ bắt buộc chất lượng nước xả thải ra môi trường phải đạt cột B; còn cột A là khuyến khích. "Khi đó, do nhu cầu của dự án cũng như giới hạn của gói tài trợ nên chỉ có thể chọn công nghệ xử lý đến cột B", ông Lộc nói.
Để nhà máy xử lý nước trị giá 500 tỷ đồng hoạt động được, tránh lãng phí lớn, ông Lộc cho biết, lãnh đạo thành phố có chủ trương phải xử lý đạt tiêu chuẩn cột A mới xả ra sông Hậu. "Trước mắt cho vận hành thử, nâng công suất dần lên 5.000-10.000 m3 một ngày đêm, tuần hoàn trong hệ thống và trữ ở các bể điều hòa", ông nói.
Đồng thời kiểm tra chất lượng nước sau xử lý, xem trong số 21 tiêu chí thì cái nào đạt tiêu chuẩn cột B, bao nhiêu đạt cột A. Sau đó, đơn vị sẽ xây dựng giải pháp đầu tư tiếp dây chuyền công nghệ để xử lý hoàn toàn đạt cột A.
Hiện ước tính mỗi ngày, nguồn nước thải sinh hoạt thu gom được vào đường ống tại một phần quận Ninh Kiều để đưa về nhà máy xử lý khoảng 25.000 m3.
Chưa hoạt động nhưng nhiều năm qua, Công ty Cấp thoát nước Cần Thơ đã thu của người dân nằm trong vùng dự án khoảng 100 tỷ đồng phí xử lý nước thải khiến nhiều người thắc mắc.
"Phí này được thu theo cam kết với nhà tài trợ và số tiền này dùng để bù vào chi phí xử lý nước thải thời gian đầu vận hành nhà máy và sau đó sẽ tăng lên. Ước tính chi phí xử lý nước thải đạt cột A ở mức 2.000-5.000 đồng một m3", đại diện chủ đầu tư lý giải.
Cửu Long - vnexpress.net