1. Giả bức tử thật.
Do phân bón chiếm đến 40% giá thành sản xuất nông sản của Việt Nam nên đây là một thị trường có giá trị rất lớn và nhu cầu cao khiến nhiều tổ chức và cá nhân làm phân bón giả, kém chất lượng để trục lợi bất chính.
“Có nghịch lý là phân bón giả làm bao bì giống phân bón thật và nhiều tới nỗi đơn vị sản xuất chính thức buộc phải khai tử sản phẩm của mình” - ông Đỗ Văn Phước, chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Tiền Giang, cho biết tại hội nghị tuyên truyền và chia sẻ kinh nghiệm phòng chống phân bón giả, kém chất lượng do Bộ Công thương tổ chức ngày 4-12-2015 ở Bà Rịa - Vũng Tàu.
Theo ông Phước, vi phạm trong sản xuất và kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng ngày càng tăng và tinh vi hơn. Các đối tượng vi phạm đã nghiên cứu rất rõ những sơ hở của luật pháp để đánh lừa người tiêu dùng và qua mặt các cơ quan chức năng.
Ví dụ, các đơn vị làm phân bón giả thường xuyên sử dụng quảng cáo trên bao bì là “công nghệ Mỹ, EU, Nhật...” nhưng thực chất là sản xuất tại VN với công nghệ “cuốc xẻng”; phân bón nhập khẩu từ Trung Quốc thì ghi nhãn là “Made in PRC” hay “Sản xuất tại PRC” .
Ông Đỗ Thanh Lam, cục phó Cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), cho biết trong năm 2015 các cơ quan chức năng đã phát hiện 3.000 vụ sản xuất và kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng hay vi phạm quy định, với khoảng 1.000 tấn phân bón các loại bị thu giữ.
2. Chính phủ vào cuộc.
Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Hùng, phó chánh văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389), cho biết đã bắt được Công ty Thuận Phong “núp bóng trong khu quân đội, cầm súng AK gác không ai được vào”. “Sau đó cơ quan công an bảo là chuyển cho chúng em, nhưng không hiểu tại sao sau vài cú điện lại thôi, bảo từ từ” - ông Hùng bức xúc.
Theo ông Hùng, vụ việc đã rõ rồi nhưng không thấy khởi tố, ngành nọ đổ cho ngành kia, rồi nói là giám định chất lượng có vấn đề dù hai lần giám định chất lượng, có kết luận là sản phẩm giả.
“Họ đến gặp tôi hối lộ không được, lại vu cáo. Tôi đề nghị phải làm sáng rõ, lấy lại niềm tin trong nhân dân, nhất là hàng triệu nông dân, không thể để xảy ra tình trạng chạy án, để vụ việc chìm xuống” - ông Hùng đề nghị.
Ông Nguyễn Đình Hạc Thúy - phó chủ tịch kiêm tổng thư ký Hiệp hội Phân bón VN - cũng cho rằng vụ việc rất rõ ràng như vậy rồi mà “không làm được, không khởi tố được là việc rất nguy hiểm, sẽ không ai còn tin được nữa”.
Trong khi đó, ông Vũ Đại Dương - phó cục trưởng Cục Quản lý chất lượng hàng hóa, Bộ Khoa học và công nghệ (KH&CN) - cho biết trên nhãn hàng hóa chai 1 lít và 5 lít của Thuận Phong có nhãn gốc là của nước ngoài và nhãn phụ ghi là phân bón nhập khẩu từ Mỹ, trong khi những chai này đều xuất phát từ Công ty Thuận Phong.
Khi bị phát hiện, công ty này đưa ra một hợp đồng có nội dung là đại lý cho công ty của Mỹ phân phối tại VN, không có bất cứ điều khoản nào cho phép công ty này được phép sang chiết và đóng gói.
Thế nhưng đến ngày 24-4-2015, trùng với ngày Ban chỉ đạo 389 đến kiểm tra lại có một lá thư với nội dung cho phép Thuận Phong sang chiết, hoàn toàn không có giá trị vì những nhãn mác trên phân bón của Thuận Phong đều ghi trước ngày này.
“Bộ KH&CN đã kết luận các nhãn trên các chai 1 lít và 5 lít của Thuận Phong là nhãn giả. Vừa qua, Công an Đồng Nai có hỏi về vấn đề nhãn hiệu, Bộ KH&CN có trả lời là phải phân biệt nhãn hiệu với nhãn hàng hóa, nhưng Công an Đồng Nai lại đưa vào báo cáo rằng Bộ KH&CN trả lời là không giả. Chúng tôi xin khẳng định là không giả về nhãn hiệu chứ không phải là nhãn hàng hóa, phải phân biệt rõ vấn đề này” - ông Dương nói.
3. Nút thắt.
Theo trung tướng Đồng Đại Lộc - phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát, tình trạng sai phạm xảy ra phổ biến trong thời gian qua có nguyên nhân từ sự buông lỏng quản lý nhà nước và chế tài xử lý vi phạm chưa nghiêm. Hầu hết các vụ vi phạm chỉ bị xử lý hành chính, mức phạt không đủ sức răn đe.
“Theo quy định, muốn xử lý hình sự phải qua xử lý hành chính, rồi số lượng vi phạm phải lớn và hậu quả phải nghiêm trọng. Nhưng đến nay chưa có hướng dẫn thế nào là nghiêm trọng” - ông Lộc nói.
4. Phải xử lý hình sự.
“Tôi nghe các bên phát biểu thì thấy đã quá rõ rồi, tại sao không làm?” - Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, đồng thời đề nghị đại diện Bộ Công an về báo cáo thủ trưởng cơ quan điều tra xem xét vụ Công ty Thuận Phong.
“Đây là vụ việc bức xúc, dư luận rất quan tâm, phải có kết luận rõ ràng” - Phó thủ tướng nói. Kết luận phiên họp, ông Phúc nhấn mạnh đây là những vấn đề liên quan trực tiếp đến sản xuất, đời sống, sức khỏe con người, làm mất uy tín quốc gia...
Theo ông Phúc, hiệu quả đấu tranh thời gian qua chưa cao có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là không ít nơi chính quyền địa phương, một số lực lượng chức năng chưa tích cực vào cuộc. “Một bộ phận cán bộ tha hóa, biến chất, tiếp tay, bảo kê cho vi phạm và tội phạm trong sản xuất, phân phối phân bón giả và thực phẩm bẩn...” - Phó thủ tướng khẳng định.
Phó thủ tướng chỉ đạo phải xử lý hình sự, phạt vi phạm hành chính ở mức cao nhất đối với các hành vi vi phạm, đồng thời yêu cầu Bộ Công an đẩy mạnh phối hợp điều tra một số vụ vừa được phát hiện để đưa ra xét xử nghiêm minh và công khai.
(tổng hợp từ tuoitre.vn)
VP 7, Tầng 2, Sơn An Plaza, Đường Đồng Khởi, Phường Tam Hòa, Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
ĐĐKD: 57H, Đường Đồng Khởi, KP3, Phường Trảng Dài, Thành Phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
(+84-251) 6293850 ¤ CSKH: 19007161 sales@hoaphatdongnai.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Mai N.H Thanh