Quy định nước thải loại A "giết" người chăn nuôi
Việt Nam là quốc gia có thế mạnh xuất khẩu nông sản như gạo, cao su, tiêu, điều, cà phê, thủy sản… Năm 2015, kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt hơn 30 tỷ USD, giúp giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho hàng chục triệu nông dân và gián tiếp phát triển các ngành kinh tế phụ trợ.
Thành quả là vậy, nhưng lại đang có những quy định không phù hợp đã đè bẹp, thậm chí đa dọa sự tồn tại của các doanh nghiệp chăn nuôi trong nước. Cụ thể, quy định của ngành tài nguyên và môi trường rằng, nước thải chăn nuôi bắt buộc phải đạt loại A, QCVN 40:2011/BTNMT. Tiêu chuẩn này cao hơn Thái Lan 10 lần, hơn Malaysia 12 lần…
Thực tế ở các tỉnh Đông Nam bộ, quy định này đang kìm hãm sự phát triển của chăn nuôi trang trại quy mô lớn, trong khi đây là mô hình được Chính phủ khuyến khích phát triển.
Trang trại của Công ty Cổ phần Chăn nuôi heo Phú Sơn (Đồng Nai) nuôi 2.000 con heo, đầu tư hệ thống xử lý nước thải tốn kém hơn 5 tỷ đồng vẫn chưa ra được nước thải loại A, nói gì đến những người chăn nuôi nhỏ lẻ.
Hệ thống xử lý nước thải tiền tỉ của Công ty Phú Sơn
Nhiều doanh nghiệp chăn nuôi ở các tỉnh Đông Nam bộ liên tục bị phạt, thậm chí có nguy cơ đóng cửa bất cứ lúc nào khi ngành tài nguyên và môi trường áp dụng Nghị định số 142/NĐCP/2013 xử phạt vi phạm về tài nguyên nước và Nghị định số 179/NĐCP/2013 xử phạt vi phạm về môi trường từ tháng 12/2013.
Sẽ thật khó để tìm được gam màu sáng trong bức tranh chăn nuôi ở Việt Nam. “Bóng ma” dịch cúm gia cầm, dịch heo tai xanh, lở mồm long móng; hạn chế trong sản xuất kinh doanh bởi việc chăn nuôi nhỏ lẻ, phân tán; kỹ thuật chăn nuôi lạc hậu; môi trường ô nhiễm... không chỉ khiến các cấp quản lý đau đầu mà người chăn nuôi cũng lao đao.
Chăn nuôi quy mô nhỏ vừa thiếu bền vững vừa là nguyên nhân dễ làm phát sinh, lây lan dịch bệnh. Chăn nuôi tập trung là hướng đi đúng đắn, tất yếu thì đang vướng các quy định "trên trời" là nước thải. Xin lưu ý rằng, với các nước thì quy mô chăn nuôi dưới 1.000 con là quy mô nhỏ lẻ, hộ gia đình không thể đầu tư cải tiến kỹ thuật, không thể áp dụng hệ thống máy móc chăn nuôi hiện đại, từ đó dẫn đến giá thành chăn nuôi cao.
Quy định bất hợp lý này còn gây lãng phí nguồn phân bón hữu cơ, khiến nông dân phải sử dụng phân bón vô cơ thay thế và ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường. Chất thải trong chăn nuôi lâu nay vẫn được tận dụng bón cho cây trồng. Hiện nay nhu cầu sử dụng chất thải chăn nuôi nhiều đến nỗi mặt hàng này không đủ bán, trang trại chăn nuôi nhờ đó giảm được chi phí.
Nếu xử lý nước thải đạt loại A, cả người chăn nuôi lẫn người trồng trọt đều thiệt hại. Thử hỏi liệu có ai mua nước thải từ chuồng heo đã qua xử lý đạt loại A về tưới cây? Tại sao chúng ta không áp dụng cho nước thải chăn nuôi kết hợp với phục vụ ngành trồng trọt, lợi cả đôi đường.
Chúng tôi đề nghị xem xét áp dụng các mô hình chăn nuôi tiến bộ và hiện đại như Thái Lan, Malaysia, Mỹ, Úc… đang làm. Đó là, khi đầu tư dự án chăn nuôi, các doanh nghiệp có hai lựa chọn. Giả sử khi đầu tư trại heo 5.000 con thì doanh nghiệp phải đăng ký xử lý chất thải. Nước thải từ hoạt động chăn nuôi gom lại sẽ cho đi qua hệ thống biogas dùng tưới cho cây trồng mà không được phép xả ra sông suối.
Còn nếu doanh nghiệp đăng ký thải nước thải ra môi trường phải tuân thủ các quy định về môi trường, nếu vi phạm sẽ bị phạt nặng và cho ngưng hoạt động. Các nước có nền chăn nuôi lớn trên thế giới và khu vực đang đi theo mô hình này để tận dụng tối đa ưu thế cho quốc gia mình, thì tại sao chúng ta không nghiên cứu áp dụng theo mà tự làm khó doanh nghiệp.
Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ lên tiếng
Trước đó, tại thị xã Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Bình Phước đã tổ chức lễ tổng kết hoạt động năm 2014 và công bố quyết định đổi tên hiệp hội.
Tham dự có đại diện Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Cục Chăn nuôi và Cục Thú y thuộc Bộ NN-PTNT, Bộ Công an, đại diện Sở NN-PTNT các tỉnh, thành phố thuộc khu vực miền Đông Nam bộ, gần 200 doanh nghiệp, cơ sở chăn nuôi trong khu vực.
Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ họp tại Bình Phước
Theo đó, tên "Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Bình Phước" chỉ trong lĩnh vực chăn nuôi gia cầm, nay mở rộng sang chăn nuôi gia súc nên được đổi tên thành "Hiệp hội Chăn nuôi Bình Phước".
Trong phần tổng kết hoạt động năm 2014, ông Vũ Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Bình Phước phát biểu: Ngành chăn nuôi khu vực Đông Nam bộ phát triển theo từng năm, trở thành vùng chăn nuôi trọng điểm của cả nước. Hiệp hội chăn nuôi hiện có khoảng 150 hội viên với gần 1.000 trang trại. Phương thức chăn nuôi truyền thống, hộ gia đình dần được thay thế bằng công nghiệp, trang trại được đầu tư bằng công nghệ tiên tiến, hiện đại, trị giá hàng trăm tỉ đồng. Đàn gia cầm cung cấp chủ yếu ở thị trường trong nước. Tuy nhiên, người làm trang trại, ngành chăn nuôi trong Hiệp hội chăn nuôi vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Một trong những vướng mắc lớn nhất là quy định về nước thải chăn nuôi phải đạt chuẩn loại A. Theo quy định này, rất nhiều trang trại không thể đạt được và có nguy cơ phải đóng cửa. "Hiệp hội chăn nuôi đang kiến nghị các Bộ, ngành chức năng xem xét điều chỉnh kịp thời, giúp cho hàng ngàn trang trại chăn nuôi gia cầm miền Đông Nam bộ thoát nguy cơ đóng cửa", ông Hùng nói.
Theo ông Âu Thanh Long, Giám đốc Công ty CP Chăn nuôi Duy Cường, kiêm Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam bộ, quy định nước thải chăn nuôi thải ra môi trường bắt buộc đạt loại A (nước rất sạch) ngoài gây khó khăn, kìm hãm sự phát triển chăn nuôi trang trại quy mô lớn cho doanh nghiệp thì nước này không còn tác dụng cho cây trồng. Đây là vấn đề gây vướng mắc và gây bức xúc cho nhiều trang trại chăn nuôi.
Nghị định Chính phủ gỡ khó nhưng vẫn khó
Ngày 24/4/2015, Chính phủ đã ban hành 38/2015/NĐ-CP, tại Điều 51 có giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành các quy định quản lý chất thải từ hoạt động nông nghiệp, cụ thể quy định:
1. Các chất thải nguy hại là bao bì chứa hóa chất độc hại hoặc sản phẩm hóa chất độc hại sử dụng trong sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp phải được thu gom, lưu giữ, vận chuyển và xử lý theo quy định về quản lý chất thải nguy hại.
2. Các bao bì chứa hóa chất bảo vệ thực vật sau sử dụng đã được làm sạch các thành phần nguy hại thì được quản lý như đối với chất thải thông thường.
3. Nước thải chăn nuôi được tái sử dụng để tưới cây hoặc dùng trong các hoạt động sản xuất nông nghiệp khác theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường.
4. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn chi tiết về việc thu gom, lưu giữ chất thải phát sinh trong các hoạt động nông nghiệp.
5. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định chi tiết về xử lý các bao bì, hóa chất bảo vệ thực vật, phân bón, thuốc thú y thải phát sinh trong hoạt động nông nghiệp.
Ngày 29/4/2016 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Quy chuẩn QCVN 62-MT:2016/BTNMT và có hiệu lực từ ngày 15/6/2016. Quy chuẩn đã tương đối "dễ thở", nhất là chỉ tiêu Nitơ tổng và COD.
Tuy nhiên, Quy chuẩn đã không quy định hai vấn đề quan trọng, đó là:
- Vấn đề tái sử dụng nước vào trong tưới tiêu các trang trại có được phép không và sẽ áp dụng chất lượng nước như thế nào? Một số địa phương yêu cầu xử lý nước đạt Quy chuẩn nước mặt QCVN 08-MT:2015/BTNMT, cột B1 mới được tái sử dụng cho mục đích tưới tiêu liệu có hợp lý?
- Chỉ áp dụng riêng quy chuẩn này hay các chỉ tiêu khác như NH3, P,... lại áp dụng trên các Quy chuẩn có liên quan như QCVN 40:2011/BTNMT và QCVN 01-14:2010/BNNPTNT Nếu mà như thế thì QCVN 62-MT:2016/BTNMT coi như vô hiệu và tắc hoàn toàn.
Rõ ràng với hai lưu ý vừa nêu trên sẽ gây ra những phiền hà không đáng có do sự áp dụng tùy tiện ở từng địa phương và từng suy nghĩ của nhà quản lý. Gỡ mà vẫn vướng là như thế!
Mong các bộ ngành có liên quan sớm ban hành các quy định để gỡ khó cho doanh nghiệp chăn nuôi trong cả nước./.
Tổng hợp và biên tập từ: nongnghiep.vn
---
HPDON: Chúng tôi chuyên cung cấp bạt HDPE và thi công công trình biogas
http://hoaphatdongnai.com/ - Handphone: 0903462627 (Mr Xuân) - CSKH: 1900 7161 (1.000 VND/phút)
VP 7, Tầng 2, Sơn An Plaza, Đường Đồng Khởi, Phường Tam Hòa, Thành phố Biên Hòa, Tỉnh Đồng Nai
Kho hàng: Cụm công nghiệp Thạnh Phú - Thiện Tân, Xã Thiện Tân, Huyện Vĩnh Cửu, Tỉnh Đồng Nai
(+84-251) 6293850 ¤ CSKH: 19007161 sales@hoaphatdongnai.com
Chịu trách nhiệm nội dung: Mai N.H Thanh